“Hot boy” mồ côi làm nông nuôi bà nội 87 tuổi và 3 em thơ dại

Chàng nông dân trẻ măng, giàu nghị lực với gương mặt “hot boy”-Hồ Quốc Hạnh, thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) quyết tâm làm nông nuôi bà nội 87 tuổi và 3 em nhỏ sau khi mồ côi cha mẹ.
Mất đi hai bậc sinh thành, nhưng chàng trai Hồ Quốc Hạnh không gục ngã. Một mình em đã cáng đáng mọi công việc của bố mẹ để lại, nuôi bà và 3 đứa em có cái ăn, không phải bỏ học giữa chừng. Ảnh: Vũ Trọng Hoài.

Mẹ mất vì bị điện giật. Cha không chịu được bế tắc, cùng quẫn đã quyên sinh. Cuộc sống vất vả, bế tắc nhưng Hồ Quốc Hạnh trú thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vẫn không gục ngã. Chàng trai trẻ 21 tuổi đương đầu với số phận nuôi bà nội 87 tuổi và 3 em nhỏ ăn học.

Năm 2014, mẹ mất vì bị điện giật, cũng là lúc Hạnh vừa tốt nghiệp THPT. Để đỡ đần cha nuôi bà và các em, Hạnh không thi vào trường ĐH mà khăn gói vào miền Nam kiếm việc làm. Được đồng lương nào em gửi hết về cho cha. Nhưng thiếu đi bàn tay phụ nữ, cuộc sống gia đình ngày càng rơi vào túng bấn. Sau 1 năm không trụ nổi áp lực khốn khó, bế tắc và cùng quẫn cha Hạnh đã tự quyên sinh, để lại 1 mẹ già 84 tuổi và 4 đứa con nhỏ dại.

Mất đi hai bậc sinh thành, nhưng chàng trai Hồ Quốc Hạnh không gục ngã. Một mình em đã cáng đáng mọi công việc của bố mẹ để lại, nuôi bà và 3 đứa em có cái ăn, không phải bỏ học giữa chừng.

Mới 21 tuổi đầu, gánh nặng gia đình bỗng nhiên đè xuống vai Hạnh. “Lo tang cha xong, một tháng sau em vẫn chưa hoàn hồn, vì em không phải biết làm thế nào để có thể chèo chống cuộc sống gia đình. Bà thì già yếu, mắt mờ, tai điếc, đã vậy đau ốm thường xuyên, em thì còn quá nhỏ dại chưa biết làm gì, đứa lớn mới vào lớp 10, 2 em sau đứa lớp 1, đứa lớp 4. Bao đêm không ngủ, nước mắt đầm gối, có lúc em nghĩ quẩn, hay là đi đâu cho biệt tăm tích, nhưng nhìn đàn em ngoan ngoãn, học giỏi và bà nội ngày thêm tiều tụy, em không nỡ nào” – Hạnh nghẹn ngào tâm sự.

Vậy là như một con thiêu thân, Hạnh lao đi kiếm tiền. Ai thuê gì làm nấy, bất cứ giờ nào, ở đâu, làm tất cả các việc: cày bừa, phụ hồ, bốc vác, phát rừng, bóc vỏ keo, cạo nhựa thông… miễn sao có tiền để trang trải các khoản chi tiêu và tiền học cho 3 đứa em, tiền thuốc men cho bà nội. Em gái Hồ Thị Hoài chia sẻ: “Nhiều bữa, anh Hạnh đi làm về thì lao vào giường nằm vật xuống ngủ li bì mà không kịp cởi đồ bảo hộ, thế mà mai lại thấy anh lại đi làm, người thì ngày càng gầy rộc đi, chúng em thương anh lắm”.

Kiếm được tiền, ngoài việc trang trải các khoản, dư ra Hạnh tiết kiệm và vay mượn thêm để tìm cách làm giàu từ chăn nuôi. Hiện nay trong chuồng Hạnh có 1 đôi bò lai sind trị giá 50 triệu đồng, 3 hươu đực bắt đầu cho nhung mỗi năm 15-20 triệu đồng. Hàng năm xuất chuồng khoảng 300 con gà thịt, thu về mỗi năm 40-50 triệu đồng. Ngoài ra, Hạnh còn thầu được một cánh rừng thông để cạo mủ, mỗi năm cũng kiếm thêm vài chục triệu. Giờ đây ngoài việc đồng áng, chăn nuôi, cạo mủ thông…rảnh ra Hạnh vẫn đi kiếm tiền bằng những việc cũ.

Hạnh là niềm tự hào của bà nội và 3 đứa em. Em cũng là thanh niên rất được bà con lối xóm cảm phục vì biết vượt lên số phận. Ảnh: Vũ Trọng Hoài.

Có bàn tay của Hạnh cuộc sống gia đình ngày càng đi vào ổn định, bà nội khỏe ra, các em học hành ngày càng giỏi giang. Em Hồ Thị Hoài là HS tiến tiến lớp 12, em Hồ Thị Huế là HS tiến tiến lớp 7, Hồ Thị Hảo là học sinh giỏi lớp 4. “Được cái các em ngoan và học giỏi, nên em rất vui, có khi làm mấy cũng không biết mệt anh ạ” – Hạnh vui vẻ tâm sự.

Ông Lê Thanh Hải, trưởng thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung hết sức khâm phục ý chí, tấm gương vượt khó vươn lên của em Hồ Quốc Hạnh: “Cháu Hạnh quả là một thanh niên trẻ tuổi nhưng có nghị lực phi thường. Từ ngày mẹ rồi bố lần lượt qua đời, chúng tôi nghĩ không biết các cháu rồi sẽ sống như thế nào. Đã có lúc thôn đã bàn đến phương án đưa 2 cháu Hồ Thị Hảo và Hồ Thị Huế nhập Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh, nhưng cháu Hạnh không đồng ý, quyết tâm tự lo cho các em được.

Nuôi bà và các em trong gian khó, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghe cháu than phiền chút nào, chỉ lặng lẽ đi làm, đồng áng mùa màng xong thì đi làm thuê, lại mở rộng chăn nuôi nên cuộc sống của các em đã từng bước đi vào ổn định. Cháu rất hiền lành, đức độ, nhưng nghiêm khắc nên mấy đứa em của Hạnh rất ngoan, vâng lời chăm học, kể cả trẻ em trong thôn cũng rất thương và nể trọng Hạnh”.

Nhìn gương mặt trẻ mà cương nghị của Hồ Quốc Hạnh và những đứa em em mồ côi ngây thơ bé bỏng bên cụ già ngót chín mươi tuổi, chúng tôi không khỏi cảm phục. Khó khăn vẫn đang đè nặng đôi vai của chàng trai trẻ, nhưng tin rằng với nghị lực và tấm lòng của mình Hạnh sẽ vượt qua, săn sóc bà thật tốt và nuôi các em nên người.

Theo Theo Dân trí