Hợp tác xã khởi nghiệp

TP - Nhiều bạn trẻ ở xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) đã tìm cách liên kết chặt chẽ thông qua mô hình HTX thanh niên để giúp nhau khởi nghiệp và mang lại những thành công ban đầu ấn tượng.
Trang trại lợn của anh La Văn Thành cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tỷ phú trẻ

Anh La Văn Quỳnh (SN 1981) từ lâu đã là một “ông chủ” tầm cỡ của huyện Hiệp Hòa khi có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Xuất phát từ một kỹ sư nông nghiệp về quê, anh Quỳnh hăng hái tham gia nhiều hoạt động của địa phương. Sự nhiệt tình và khả năng quyết đoán, nhìn nhận vấn đề của anh Quỳnh là tấm gương được nhiều bạn trẻ noi theo. Cũng vì thế, anh Quỳnh được bầu làm Bí thư Đoàn xã và mới đây là Phó Chủ tịch HĐND của xã Lương Phong, một trong những cán bộ trẻ nhất trong hàng ngũ lãnh đạo cấp xã trên địa bàn huyện Hiệp Hòa.

Bắt đầu từ năm 2008, anh Quỳnh bắt đầu tập trung vào chăn nuôi theo quy mô lớn. Hiện nay, cứ rời công sở, anh Quỳnh bắt tay vào công việc như một ông chủ thực sự trong trang trại với khoảng 1.500 con lợn và cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi lớn nhất trong xã. Tính ra, hiện nay, mỗi năm anh thu nhập hơn 2,5 tỷ đồng từ chăn nuôi và kinh doanh,  trong đó riêng doanh thu từ chăn nuôi lợn đạt khoảng 1 tỷ đồng.  

Lớn tuổi hơn anh Quỳnh, anh La Văn Thành (SN 1978) mấy năm trước đây loay hoay với bài toán đủ ăn cho gia đình. Ngôi nhà cũ mấy chục năm đã xuống cấp trầm trọng nhưng chưa thể làm mới. Quay đi quay lại, anh Thành và vợ chỉ biết nuôi mấy con lợn “cỏ” để có thêm đồng ra, đồng vào chứ chưa bao giờ dám nghĩ làm ăn lớn. Thấy vậy, cách đây hơn một năm, anh Quỳnh hăng hái vào tận nơi động viên, tư vấn cách chọn con giống, thức ăn, phòng ngừa dịch bệnh và đặc biệt là tư tưởng mở rộng hệ thống chuồng trại bảo đảm vệ sinh, tạo điều kiện cho đàn lợn phát triển.

Anh Quỳnh còn giúp anh Thành luôn cả về con giống và thức ăn chăn nuôi, đến khi thu hoạch anh Quỳnh mới thu hồi tiền vốn, không tính lãi. Nhờ thế, đàn lợn của anh Thành hiện đạt hơn 200 con, mỗi năm đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng. “Bây giờ mình đang xây dựng nhà mới, cuộc sống gia đình được cải thiện rất nhiều. Đúng là nếu không có sự hỗ trợ của Quỳnh thì chắc mình không dám làm và không có được ngày hôm nay”, anh Thành tâm sự.

Từ những mô hình của anh La Văn Quỳnh, La Văn Thành mang lại hiệu quả cao, nhiều bạn trẻ trong xã Lương Phong đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo tiền đề tốt cho việc xây dựng một sự liên kết bền chặt của những thanh niên nơi đây.

Liên kết phát triển

Xuất phát từ những thuận lợi của việc liên kết trong sản xuất, 18 bạn trẻ ở xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa đã mạnh dạn cùng nhau tổ chức xây dựng Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi vận tải và du lịch Tuấn Quỳnh, ra đời vào cuối tháng 10/2016. Trong đó, hầu như toàn bộ các xã viên đều chăn nuôi. Hộ nuôi ít nhất khoảng 100 con lợn, hộ nuôi lớn khoảng 600 con.

Với phương châm giúp đỡ nhau cùng phát triển, các xã viên trẻ này đã phân công nhiệm vụ cho từng người, mỗi người mỗi mảng: người phụ trách con giống, người phụ trách vật tư, người kiểm soát mảng thú y, người lo vận chuyển… trở thành một vòng tương đối khép kín để bảo đảm hỗ trợ nhau kịp thời, hạn chế chi phí trong sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho toàn HTX và mỗi xã viên.

Theo Chủ tịch HĐQT La Văn Quỳnh, việc thành lập HTX không chỉ tạo vị thế mới, bảo đảm tính tương trợ lẫn nhau mà còn giúp các xã viên có thêm cơ hội trong việc tiếp cận đồng vốn ngân hàng, gắn kết với các đối tác cung cấp hàng hóa, thức ăn chăn nuôi, ổn định giá đầu ra, đầu vào, hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, HTX đang tính đến phương án hình thành cơ sở giết mổ để cung cấp cho thị trường những sản phẩm thịt lợn sạch trong thời gian tới.

“Việc những thanh niên ở Lương Phong thành lập HTX chăn nuôi được lãnh đạo chính quyền địa phương hết sức ủng hộ và coi đây là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế địa phương”. 

ÔngTrần Quang Hán, Chủ tịch UBND xã Lương Phong 

Ông Trần Quang Hán, Chủ tịch UBND xã Lương Phong cho biết: “Việc những thanh niên ở Lương Phong thành lập HTX chăn nuôi được lãnh đạo chính quyền địa phương hết sức ủng hộ và coi đây là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế địa phương. Hình thức này sẽ liên kết được những người có cùng chung mục đích, hỗ trợ nhau để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tạo thành sức mạnh và quản lý được các yếu tố quan trọng trong chăn nuôi như: con giống, thức ăn, thú y…”.

Theo đánh giá của Ban chủ nhiệm HTX chăn nuôi vận tải và du lịch Tuấn Quỳnh, lợi nhuận của tất cả các xã viên hàng năm ước đạt khoảng 6- 7 tỷ đồng. Đây cũng là một mô hình được Tỉnh đoàn Bắc Giang đánh giá cao về tính sáng tạo, chủ động trong khởi nghiệp của thanh niên nông thôn. “Chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ các điều kiện để HTX phát triển, trở thành một mô hình điểm trong phát triển kinh tế thanh niên ở các vùng quê nông thôn Bắc Giang”, anh Vũ Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Thanh niên - Nông thôn - Công nhân và đô thị, Tỉnh đoàn Bắc Giang cho biết.