Hơn 22 triệu lao động Việt Nam dễ mất việc do dịch COVID-19

TPO - Trả lời báo chí sáng 14/4, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam - TS Lee Chang-Hee cho rằng, tại Việt Nam, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, họ đang đối mặt với những rủi ro rất lớn về việc làm.
Hơn 22 triệu lao động Việt Nam làm việc trong những ngành chịu nhiều tác động của dịch COVID-19 và đối mặt với rủi ro việc làm. Ảnh minh hoạ.

Giám đốc ILO Việt Nam - TS Lee Chang-Hee cho rằng, hiện còn quá sớn để đưa ra những dự báo chắc chắn về ảnh hưởng của dịch COVID-19 với việc làm tại Việt Nam, do chưa có số liệu tác động toàn diện. Bộ KH&ĐT đưa ra dự báo có 2 triệu việc làm bị ảnh hưởng do dịch bệnh, còn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra khảo sát có tới 50% DN Việt Nam chỉ có thể tồn tại thêm 6 tháng nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện.

Do đó, theo ông Lee, cần đợi kết quả của cuộc Điều tra lao động việc làm và DN đang được Tổng cục Thống kê và ILO phối hợp thực hiện.

Dù vậy, theo đại diện ILO, dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất thế giới từ sau Thế chiến thứ II tới nay. Theo ức tính của tổ chức này, các biện pháp chống dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 2,7 tỷ người lao động toàn cầu (chiếm 81% lao động). Trong đó, có 38% lao động làm việc trong các lĩnh vực sụt giảm nghiêm trọng, nguy cơ phải sa thải người làm, giảm lương, giảm giờ làm, như: dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản, vận tải, giải trí. 

“Ở Việt Nam, những lĩnh vực trên đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động (tức 40,8% tổng số việc làm của Việt Nam). Chúng ta không nói rằng tất cả những lao động này sẽ bị mất việc, chỉ nói rằng họ đang làm việc trong những lĩnh vực có rủi ro cao, phải đối diện với những thách thức vô cùng lớn để duy trì sự sống còn của doanh nghiệp và duy trì lực lượng lao động”, ông Lee nhận định.

Theo ILO, các ngành nghề trên đều là lĩnh vực thâm dụng lao động, với tày nghề lao động thấp và giá nhân công rẻ, phụ nữ chiếm đa số, họ rất dễ bị tổn thương, do đó, khi Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ cần phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề này.

Cùng với đó, dù tỷ lệ lao động phi chính thức tại Việt Nam đã giảm, nhưng vẫn có tới 70% dân số làm trong khu vực phi chính thức (gồm cả làm nông nghiệp), đây là nhóm dễ bị tổn thương. Phần đông những lao động này không được hưởng các hình thức bảo vệ cơ bản như khi làm những công việc chính thức, như bảo hiểm xã hội, chăm sóc y tế… Do đó, dù dịch bệnh, cách ly xã hội, họ vẫn phải tiếp tục làm việc để có thu nhập. Do đó, Chính phủ cần các giải pháp trợ giúp xã hội.

Cùng với đó, Chính phủ nên hướng sự hỗ trợ và các gói trợ giúp tới các DN nỗ lực nhất trong việc giữ người lao động để giảm thiểu mức độ sa thải người làm. Giải pháp này sẽ khuyến khích DN giữ chân người lao động, giảm thiểu cú sốc với xã hội và việc phục hồi sản xuất nhanh sau dịch.

Báo cáo nhanh số 2 của ILO về lao động toàn cầu trong bối cảnh dịch COVID-19 công bố cách đây ít ngày cho thấy, ước tính, trong Quý II/2020, dịch bệnh sẽ cướp đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn – tương đương mất đi 195 triệu việc làm toàn thời gian.

“Có khả năng cao số lao động thất nghiệp cả năm nay sẽ tăng cao hơn dự báo ban đầu của ILO là 25 triệu người”, ILO so sánh với con số đưa ra tại Bản tin số 1 công bố 20 ngày trước đó.