Hồi ức của người lính cảm tử tháo quả thủy lôi đầu tiên

Chiến công trong chiến dịch phòng chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, cảng miền Bắc đã qua tròn 4 thập kỷ nhưng đối với cựu chiến binh Trương Thế Hùng, nguyên Đội trưởng đội 8 công binh Hải quân, thì hồi ức chiến tranh vẫn in đậm trong tâm trí.

Hồi ức của người lính cảm tử tháo quả thủy lôi đầu tiên

> Phía sau thành tựu bất ngờ của công nghiệp quân sự Việt Nam

> Nghe 'không tặc' Việt Nam kể chuyện cướp máy bay

 

Chiến công trong chiến dịch phòng chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, cảng miền Bắc đã qua tròn 4 thập kỷ nhưng đối với cựu chiến binh Trương Thế Hùng, nguyên Đội trưởng đội 8 công binh Hải quân, thì hồi ức chiến tranh vẫn in đậm trong tâm trí.

Ông là người chiến sỹ cảm tử đầu tiên đã tháo thành công 2 quả thủy lôi của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng...

Ông Hùng lưu giữ cận thận kỷ vật chiến tranh.

Giây phút sinh tử đáng nhớ

Đã ở tuổi 84 nhưng nước da hồng hào, dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, ông Hùng tiếp chúng tôi tại căn nhà nhỏ trên đường Trần Phú và bắt đầu câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp của mình. Lật dở cho chúng tôi xem những bức ảnh thời chiến được lưu giữ cẩn thận như báu vật của cuộc đời mình, những hồi ức về chiến tranh năm xưa lại ùa về trong ông như tất cả vừa mới xảy ra.

Sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo thuộc tỉnh Nghệ An, năm 1948, khi vừa tròn 18 tuổi, ông tình nguyện lên đường tòng quân đánh giặc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông cùng đồng đội thuộc Sư đoàn 367 hành quân khắp các tỉnh phía Bắc như: liên khu 4, liên khu 3, liên khu Việt Bắc, Tây Bắc. Năm 1955, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được điều động về Đoàn 100 Hải quân để xây dựng lực lượng, chuẩn bị thành lập lực lượng Hải quân Việt Nam.

Đến tháng 5-1955, lực lượng Hải quân được thành lập, ông được cử sang Trung Quốc học về nguyên lý cấu tạo, hoạt động, tính năng kỹ thuật, chiến thuật của thuỷ lôi. Từ năm 1955-1957, ông Hùng được cử làm phiên dịch kiêm trợ giáo lớp huấn luyện về thuỷ lôi cho học viên hải quân Việt Nam tại Trung Quốc.

Ông Hùng nhớ lại: “Tháng 8-1964, Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ, đánh phá ác liệt miền Bắc. Chúng đánh phá tuyến giao thông, kho tàng cầu cảng, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Lúc này, địch ráo riết chuẩn bị cho âm mưu phong tỏa sông, cảng biển miền Bắc.

Đoán trước được âm mưu đó, ngày 2/7/1966, đội 8 công binh Hải quân được thành lập, tôi giữ cương vị đội phó. CBCS trong đội đã chủ động nắm tình hình, chuẩn bị lực lượng đối phó. Ngày 27/2/1967, Mỹ thả thủy lôi xuống các cửa sông Mã (Thanh Hóa), sông Lam (Nghệ An, cửa Gianh và Nhật Lệ (Quảng Bình), bắt đầu cuộc chiến tranh phong tỏa sông, cảng miền Bắc bằng thủy lôi.

Trước đó, vào cuối năm 1966, theo đề nghị của ta, Liên Xô cử một tổ chuyên gia gồm 3 người, mang theo một số dụng cụ tháo thủy lôi sang ta để huấn luyện về kỹ thuật rà quét phá thuỷ lôi. Họ đã hướng dẫn chúng tôi cách quan sát, phát hiện và phân biệt các loại thủy lôi và một số kiểu loại bẫy chống tháo gỡ có thể gặp để cảnh giác, thận trọng khi tháo gỡ thủy lôi…”.

Nắm được mưu đồ của địch muốn phong tỏa sông, cảng miền Bắc, Bộ Tư lệnh Hải quân đã cử tổ tiền trạm đội 8 công binh hành quân vào Nghệ An để nghiên cứu thủy lôi, tìm cách rà phá thông luồng. Ông Hùng cùng 2 cán bộ trong tổ tiền trạm đã đạp xe ròng rã 3 ngày đêm, vượt hơn 400 cây số, từ Hải Phòng vào đến Nghệ An.

Ông Hùng hướng dẫn cách tháo gỡ thủy lôi.

Vừa đặt chân đến Nghệ An, tổ tiền trạm nhận được tin công binh của Quảng Bình đã trục vớt và chở 2 quả thủy lôi ra Nghệ An. Chiếc xe tải chở 2 quả thủy lôi cứ lắc lư, rất nguy hiểm nhưng may mắn không phát nổ. Đó là 2 quả thuỷ lôi MK50 và MK52 dạng chìm đáy không chạm nổ (tàu thuyền chỉ cần đi qua không chạm vào cũng phát nổ). Lúc này, Bộ Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ cho ông Hùng cùng CBCS tìm mọi cách tháo thành công 2 quả thủy lôi, đem ra Hải Phòng nghiên cứu.

Ông Hùng xúc động kể: “Xác định đây là loại vũ khí tối tân của Mỹ, đặc biệt nguy hiểm dạng cảm ứng từ, trong khi không có dụng cụ chuyên dụng để tháo gỡ, do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi xác định đối mặt với tử thần.

Tôi và 2 đồng chí Đào Kỳ và Trần Thanh Hoài hội ý kỹ thuật, nhận định 2 quả thuỷ lôi vận chuyển trên xe tải mà không nổ nên có thể tháo rời các bộ phận. Nhưng nó cũng có thể nổ khi ta đụng vào ngòi nổ. Nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi phải tháo gỡ, bởi Bộ tư lệnh Hải quân đang mong đợi chúng tôi báo cáo kết quả.

Thời tiết tháng 3 mà mồ hôi chúng tôi cứ vã ra như tắm. Để tránh hy sinh lớn, chúng tôi phân công từng người một vào tháo gỡ, 2 người còn lại ở nơi ẩn nấp an toàn.

Trước khi tháo, chúng tôi khiêng 2 quả thuỷ lôi ra xa khu dân cư đề phòng phát nổ, rồi chụp ảnh từng quả thủy lôi. Tôi là người đầu tiên dùng cờ lê, mỏ lết (là dụng cụ sửa chữa xe đạp) bắt đầu đặt vào ốc ngòi nổ, đó là quả thủy lôi MK52 - thuỷ lôi từ trường.

Qua 2 giờ mày mò tháo gỡ, rồi chiếc ốc cuối cùng được tháo xong, cả hệ thống ngòi nổ được tháo rời khỏi khối thuốc nổ nặng 3 tạ, chúng tôi biết rằng đã thành công, không có tổn thất thương vong. Lúc đó, tôi hô to gọi 2 đồng đội của tôi vào. 3 anh em ôm nhau mà không cầm được nước mắt. Đó là những giây phút sinh tử đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.

Tiếp đó, cả tổ tiến hành tháo quả thuỷ lôi thứ 2 MK-50. Hơn 1 giờ sau, quả thủy lôi MK-50 nặng 265kg cũng được tháo gỡ an toàn trước niềm vui khôn tả của đoàn cán bộ nghiên cứu Hải quân và đoàn cán bộ Quân khu IV. Sau đó, tất cả các bộ phận của 2 quả thủy lôi này được chuyển về Bộ Tư lệnh Hải quân để phục vụ nghiên cứu.

Mở chìa khóa cho cuộc chiến chống phong tỏa

Nhấp chén chè xanh, ông Hùng tiếp tục câu chuyện: “Tối 17-10-1967, địch ném bom bến phà An Dương, Hải Phòng. Khi đó tôi đảm nhiệm cương vị Đôi trưởng đội 8 công binh.

Nhận được tin có 1 quả bom rơi vào khu tập thể An Dương, tôi cùng 2 đồng chí Đào Ngọc Tấn và Trần Thanh Hoài được cử đến tháo gỡ. Đến nơi đã khoảng 21h, thành phố bị mất điện, chúng tôi phải mò mẫm tìm kiếm đến 24h thì phát hiện được 1 quả bom nằm ngay trên mặt đất, trước cửa khu tập thể An Dương.

Sau khi xem kỹ, xác định đây là loại bom từ trường nhưng đã bị văng mất ngòi nổ, do bom xuyên qua các lớp bê tông trần nhà, chúng tôi chia nhau đi tìm ngòi nổ ký hiệu DST-36 và phải đến hơn 4h sáng, mới tiến hành tháo bộ phận điều khiển nổ. Cuối cùng chúng tôi đã tháo gỡ thành công quả bom một cách an toàn. Đây cũng là quả bom từ trường đầu tiên được công binh Hải quân Việt Nam tháo gỡ thành công...”.

Việc tháo gỡ thành công thuỷ lôi và bom từ trường đã mở chìa khóa cho cuộc chiến đấu chống phong tỏa sông, cảng miền Bắc của Mỹ bằng thủy lôi và bom từ trường. Từ những nghiên cứu trên, ta đã tìm cách rà phá thủy lôi, bom từ trường bằng các phương tiện thô sơ như: tấm tôn, bè nam châm, phao sắt, khung dây… kéo xuống các cửa sông, luồng, lạch để kích nổ thủy lôi và bom từ trường.

Lực lượng hải quân làm nòng cốt, phối hợp hướng dẫn các lực lượng: công an, quân đội, cảng Hải Phòng, phân đội công binh 350… đẩy nhanh tiến độ rà phá để thông luồng, đảm bảo giao thông đường thủy an toàn cho bộ đội ta vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ông Hùng cho biết, qua 2 chiến dịch chống Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc, quân và dân ta đã tháo gỡ được hàng nghìn quả thuỷ lôi và bom từ trường.

Theo tinh thần hiệp định Pari, Mỹ phải có trách nhiệm rà phá thủy lôi ở vịnh Bắc Bộ. Do đó, tháng 3/1973, Hải quân Mỹ đã huy động đến đây một lực lượng khổng lồ trên 5.000 quân với các trang bị, thiết bị vũ khí, khí tài hiện đại, trong suốt quá trình rà quét chỉ phá được 3 quả thủy lôi ở luồng Nam Triệu. Chính phía Mỹ cũng không thể hiểu nổi, bằng cách nào mà ta đã tổ chức rà phá thuỷ lôi đạt hiệu quả cao đến như vậy…

Cuộc chiến đã lùi xa, bản thân ông Hùng đã lặn lội qua các chiến trường, giờ về với cuộc sống đời thường, ông luôn tự hào đóng góp công sức cho chiến công chống Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc. Ông mỉm cười hạnh phúc bảo rằng: “Thời trai trẻ tôi đã xông pha trận mạc, cống hiến cho đất nước, nay tuổi già được hưởng cuộc sống thanh nhàn, sum vầy bên con cháu, thế là vui rồi…”.

Theo Hồng Hải
An Ninh Hải Phòng

Theo Đăng lại