Hội thảo SigTelCom 2020 bao gồm 4 nhóm chuyên ngành chính là: Hệ thống điện tử và điều khiển; Công nghệ bảo mật, riêng tư và điện toán; hệ thống và mạng lưới liên lạc viễn thông và kỹ thuật phần mềm, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng.
Hội thảo thu hút hơn 50 tác giả đến từ 15 quốc gia. Mỗi bài báo được đánh giá bởi ít nhất 3 chuyên gia được chọn từ 195 thành viên của Ủy ban Chương trình Kỹ thuật từ các học viện, phòng thí nghiệm và các ngành công nghiệp.
Sau khi xét duyệt, Ủy ban Chương trình Kỹ thuật của chương trình SigTelCom 2020 đã lựa chọn được 21 bài báo chất lượng để trình bày tại hội thảo và xuất bản trong kỷ yếu của hội thảo.
Đặc biệt, tham dự hội thảo có 3 diễn giả chính, những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực xử lý tín hiệu, viễn thông và điện toán, đó là: Giáo sư Nguyễn Đức Hòa (trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), Phó giáo sư Lê Minh Hòa (Đại học Northumbria, Vương quốc Anh) và Tiến sĩ Antonino Masaracchia (Đại học Queen’s Belfast, Vương quốc Anh).
GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi cho biết, hội thảo SigTelCom 2020 năm nay hướng đến các vấn đề mang tính thời sự về lý thuyết, thuật toán và ứng dụng để xử lý tín hiệu, viễn thông và điện toán với chủ đề: “Internet kết nối vạn vật và mạng truyền thông 5G giảm thiểu thảm họa thiên nhiên và suy thoái môi trường”.
Được biết, tiền thân từ Hội thảo Quốc tế về Tin học, Quản lý và Viễn thông (ComManTel), Hội thảo Quốc tế về công nghệ tiên tiến trong xử lý tín hiệu, viễn thông và điện toán (SigTelCom) hướng tới một diễn đàn giao lưu học thuật hàng đầu nhằm trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu tiên tiến nhất về các lĩnh vực trên.
Hội thảo SigTelCom 2020 lần thứ 4 là tiếp nối chuỗi hội thảo thường niên mà trước đó đã được tổ chức tại Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội. Hội thảo được tài trợ kỹ thuật bởi Viện Kỹ thuật Điện – Điện tử (IEEE) và IEEE Việt Nam; và tài trợ chính bởi Quỹ Newton, Vương Quốc Anh và do Hội đồng Anh triển khai.