Không thiếu những thách thức ngoại giao và an ninh cần thảo luận, nhưng những sự kiện ở khu vực gần đây khiến chú ý dồn vào châu Á.
Cuộc họp diễn ra vài ngày sau khi Trung Quốc đại lục triển khai đợt tập trận lớn quanh đảo Đài Loan thuộc nước này, sau đó cấm tàu thuyền đi vào vùng biển phía Bắc hòn đảo ngày 16/4.
Ngày 13/4, Triều Tiên phóng vũ khí mà họ gọi là tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn mới. Đây chỉ là một trong hàng loạt vụ thử vũ khí khiến nhiều quốc gia lo lắng.
Là nước chủ tịch G7 năm nay, Nhật Bản muốn đưa những thách thức ở khu vực lên đầu chương trình nghị sự, cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine càng cho thấy cần cảnh giác hơn ở châu Á. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhiều lần cảnh báo: “Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày mai”.
“Quan điểm cơ bản của Nhật Bản về Ukraine là an ninh của châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không nên được bàn bạc riêng rẽ. Hai vấn đề gắn bó với nhau ”, một quan chức Nhật Bản cho biết trước thềm hội nghị.
G7 nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh chớ tìm cách giành quyền kiểm soát Đài Bắc. “Leo thang quân sự ở eo biển Đài Loan sẽ là kịch bản kinh hoàng với cả thế giới”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại Bắc Kinh ngày 14/4. Dự kiến sẽ có sự tập trung vào ngôn ngữ của nhóm, sau những phát biểu gây tranh cãi gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Sau chuyến thăm Bắc Kinh, ông Macron nói rằng châu Âu nên tránh “những cuộc xung đột không liên quan đến chúng ta”, khiến các đồng minh của Pháp không hài lòng.
Paris đang nỗ lực xoa dịu phản ứng, khẳng định rằng quan điểm của Pháp không thay đổi. Giới quan sát cho rằng G7 lần này sẽ nhắc lại những quan điểm đã đưa ra trước đây, cảnh báo Trung Quốc chớ “thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực”.
Bên cạnh ưu tiên về Trung Quốc, các thành viên G7 có thể sẽ dễ dàng thống nhất quan điểm về Ukraine. Tuyên bố chung được cho là sẽ yêu cầu Nga rút quân ngay lập tức khỏi Ukraine và cam kết tiếp tục hỗ trợ Kiev.
Cả hai vấn đề lớn đều cho thấy cần tập trung vào an ninh kinh tế và nhu cầu cấp thiết phải đa dạng hoá các chuỗi cung ứng cho mọi hàng hoá, từ năng lượng đến thiết bị bán dẫn.
Tokyo và Washington đều đã cảnh báo về rủi ro “chèn ép kinh tế”. Các ngoại trưởng G7 lần này dự kiến sẽ cam kết các biện pháp chống lại nỗ lực bóp méo nguồn cung.
Hội nghị kéo dài hai ngày cũng sẽ bàn về một số cuộc khủng hoảng quốc tế khác, từ Afghanistan đến đợt tấn công mới nhất của chính quyền quân sự Myanmar, cùng vấn đề an ninh mạng và phát tán thông tin sai lệch.
Anh ninh ở Karuizawa càng được thắt chặt sau khi một vật nổ bị ném vào khu vực nơi Thủ tướng Kishida phát biểu để kêu gọi ủng hộ cho một ứng viên của đảng Dân chủ Tự do (LDP), hôm 15/4.