Cần bài thi kiểm tra lại đầu vào
Lãnh đạo phòng đào tạo, Học viện An Ninh Nhân Dân mới đây cho biết, đã báo cáo lên lãnh đạo cấp trên đề nghị tiến hành nghiên cứu và rà soát lại.
Trong trường hợp cần thiết, có thể đối chiếu điểm thi với bài thi gốc của một số thí sinh trúng tuyển, nhất là các địa phương đang có nghi vấn gian lận điểm thi THPT quốc gia.
Bởi kết quả thống kê dữ liệu dưới dạng định lượng từ danh sách thí sinh trúng tuyển vào Học viện ANND năm 2018 cho thấy, số lượng thí sinh trúng tuyển năm nay phần lớn tập trung vào các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn trong khi đó, các địa phương có truyền thống hiếu học và có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cao hằng năm lại có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều.
Đặc biệt, trong số 6 thí sinh có tổng điểm xét tuyển cao nhất các khối thi (đã bao gồm điểm ưu tiên) thì có tới 3 thí sinh của Hòa Bình, chiếm tỷ lệ 50% và 2 thí sinh của Lạng Sơn, chiếm tỷ lệ 33,3%.
Đây cũng là các địa phương đang vướng "lùm xùm" liên quan đến nghi vấn điểm thi THPT quốc gia 2018.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 7/8, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho biết: "Hiệu trưởng một trường Đại học hoàn toàn đủ lý do để yêu cầu rà soát điểm thi, vì để kiểm tra đầu vào xếp lớp, xếp ngành.
Trong trường Học viện ANND có các ngành khác nhau, nếu trong tầm tay thì họ hoàn toàn có thể kiểm tra đầu vào tại trường một cách minh bạch, nếu thủ khoa mà không vượt qua sát hạch thì vẫn có thể đề nghị kiểm tra lại như bình thường, đảm bảo ai thực lực kém thật sẽ không dám thi.
Hiện tại thì không thể rà soát thêm. Nếu nói rà soát để cho dư luận yên lòng thì không được. Điểm bài thi của các thí sinh đã là như vậy, đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT đã chấm thẩm định các bài điểm cao, Hà Giang, Lạng Sơn đã rõ điểm thật, còn Sơn La đang tìm lại điểm thi bài thi gốc nhưng lực lượng an ninh, kỹ thuật cao lên làm việc bao nhiêu lần vẫn chưa có kết quả.
Tôi chỉ hỏi những người mua bán điểm người ta có số điện thoại để liên hệ với các đối tượng nghi phạm hay không? Chắc chắn có. Thậm chí đặt giá để thương lượng với nhau, nên người sửa điểm sẽ biết hết, điều tra là ra. Nếu muốn làm thì thì cơ quan điều tra rất dễ làm được.
Với các đối tượng đang kiểm soát lại điểm thì không nên cho nhập học vội, cần đợi kết quả chính thức rồi xét duyệt, tránh mất cơ hội cho các thí sinh có thực lực khác".
Trước đề xuất của trường, theo ông Vinh, việc rà soát là việc của Bộ, vì kỳ thi THPT Bộ giao cho địa phương, địa phương làm không đến nơi đến chốn, tạo ra sản phẩm không đảm bảo chất lượng cho các trường. Bây giờ, nếu chất lượng sản phẩm không tốt thì Bộ phải chịu trách nhiệm, chắc chắn nguyên liệu không tốt thì sản phẩm chất lượng không cao.
Với Học viện ANND thì Bộ quản lý ngành là Bộ Công an, trường thuộc Bộ Công an nên trách nhiệm của Bộ rất cao trong việc sàng lọc chứ không phải Bộ GD-ĐT. Muốn làm trong sạch, muốn nâng cao chất lượng đầu vào nguồn nhân lực ngành công an thì phải phối hợp với Bộ GD-ĐT để xử lý tốt nhất.
Đây chính là bức tranh phản ánh bất cập của chương trình 2 trong 1, tất nhiên Bộ GD-ĐT sẽ phải sẵn sàng hỗ trợ nếu có đề nghị vì đây là kết quả họ tổ chức, chứ không có quyền từ chối.
Đợi kết quả chính thức rồi mới xét duyệt
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, GS.TS Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, ngay từ khi câu chuyện Hà Giang bị phát hiện có sự can thiệp nâng điểm thi cho thí sinh, ông đã biết ngay mục đích. Và bây giờ điều ông hoài nghi đã trở thành nỗi hoài nghi của chính lãnh đạo trường Học viện An ninh nhân dân.
"Đã là điểm thi của THPT quốc gia, tuyển sinh vào Đại học thì chấm thi phải khách quan, công bằng, chính xác. Bây giờ năm 2017, điểm thi vào An ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân cao nhất trong top các trường, năm 2018, điểm thi vào cũng cao, nhiều thí sinh muốn thi vào đó cũng là điều nên khuyến khích.
Nhưng đã có sự bất bình thường trong việc chấm điểm tốt nghiệp, xét vào Đại học ở một số tỉnh mà phong trào giáo dục chưa phát triển, có nghi vấn cả tháng. Chính tôi đã nói với bạn bè đã nhận định đây là vấn đề vào Đại học, chứ không đơn thuần là tốt nghiệp THPT", ông Hạc nhấn mạnh.
Về động thái Học viện ANND, Nguyên Bộ trưởng GD-ĐT rất đồng tình, theo ông cần kiểm tra lại các bài thi thủ khoa, điểm cao vào trường. Phải làm hết sức trung thực, công bằng, học tốt điểm cao mà không được vào nhường chỗ cho học kém mà điểm cao nhờ chạy chọt sửa điểm.
"Theo tôi, nhiều người nhất là các vị phụ huynh có con em thi năm nay sẽ không đồng tình với kết quả thi của năm nay, nên cần làm rõ thêm, đợi có điểm thi chuẩn rồi hãy xét duyệt, tránh làm mất cơ hội của các em khác", ông Hạc nói thêm.