Học Văn để làm gì?

TP - Dù luôn có những đề Văn “phát sốt” trên mạng xã hội nhưng dám cá rằng không ít các cô cậu học trò thường tự hỏi rằng tại sao phải học Ngữ Văn? Tại sao phải ngồi phân tích từng câu chữ và hàm ý của tác giả gửi gắm trong đó?

Tôi không nhớ rõ đã xem Dead Poets Society (Hội cố thi nhân, 1989) từ khi nào. Một bộ phim chính kịch của Mỹ từng được giải Oscar. Phim lấy bối cảnh vào năm 1959 tại một trường nam sinh nội trú giả tưởng Welton Academy, ngôi trường nổi tiếng nghiêm khắc và là lò đào tạo những cá nhân xuất sắc. Dead Poets Society theo chân một giáo viên văn học John Keating (Robin Williams) trên con đường truyền cảm hứng cho các học sinh của mình, thông qua sự đẹp đẽ của ngôn từ và thi ca.

Người thầy ấy đã giúp các nam sinh tìm sự độc nhất và lòng dũng cảm để dám đối mặt với đời, làm điều mình thích, để sống thật với chính mình. Ông thậm chí đi ngược lại các quy chuẩn của ngôi trường mình đang dạy và sẵn sàng mạo hiểm để phá vỡ những khuôn khổ đang kìm nén sự sáng tạo và tự do của học trò. Khi mà xã hội vẫn còn mang nặng định kiến, như cha của Neil đã coi thường và chèn ép giấc mơ nghệ thuật của Neil khiến anh chọn con đường tự vẫn.

Phần lớn các cô cậu học trò thường tự hỏi rằng tại sao phải học môn Ngữ Văn? Sau này ra đời chúng có giúp ích được gì đâu? Tuy nhiên cần phải hỏi ngược lại, rằng tại sao thơ ca và văn học lại phải đem đến một thứ lợi ích vật chất nào đó? Chúng ta nghiền ngẫm các tác phẩm văn học đơn giản là vì ta là con người - sinh vật có khả năng tư duy cao siêu nhất và nhận thức được sự tồn tại của bản thân. Mỗi cá thể đều có một cuộc sống và trải nghiệm khác nhau, vì thế ta cần phải kể về những cuộc đời đó, những câu chuyện đó.

Một cảnh trong phim “Dead Poets Society”

Như nữ văn sĩ Mỹ Connie Willis cho rằng nhà văn “là những người đi trước gõ ra những thông điệp từ quá khứ, vượt trên cả những nấm mồ để cố gắng kể cho chúng ta về cuộc sống và cái chết!”.

Quả là không gì khác, văn học là một bộ sưu tập về kinh nghiệm của thế hệ đi trước về mọi khía cạnh cuộc sống. Hơn thế, nó còn kích thích các xúc cảm, trải nghiệm từng có của bản thân. Thưởng thức một tác phẩm văn học không phải lướt mắt qua từng hàng chữ, mà là đắm chìm vào thế giới thông qua cái nhìn và trải nghiệm của các nhân vật sống động qua ngòi bút tác giả. Từ một nội dung có thể có vô vàn cách hiểu khác nhau tùy thế giới quan của mỗi cá nhân. Ta được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc có thể chưa từng được cảm nhận ngoài đời. Phân tích văn học dạy ta cách tư duy phê phán – một kĩ năng vô cùng quan trọng trong thời đại ngày nay luôn đầy rẫy các tin tức giả mạo, những thông tin độc hại.

Từ buổi đầu của nền văn minh, nhân loại đã luôn thích truyền tai nhau nghe về mọi bí mật trên thế gian. Có thể nói chính văn học đã giúp vén những bức màn bí mật ấy lên…

Bị giới hạn bởi thời gian, tiền bạc và sức lực, chúng ta không phải những kẻ bất tử để tự mình trải nghiệm hết mọi sự đời. Vì thế ta phải đọc, phải học những câu chuyện của cá nhân khác. Để biết được đâu là đúng sai, hiểu được tình yêu là gì? Tại sao nó vừa đẹp đẽ và vừa đau đớn đáng sợ đến vậy? Các cảm xúc cuồng nộ, kinh tởm, ghen tuông, hãnh diện,…tại sao lại có thể được miêu tả vô cùng đẹp đẽ trong các trang sách đến thế? Hòa mình vào dòng liên kết từ quá khứ đến tương lai thông qua hiện tại ngay lúc này bằng văn học, chính là một thái độ khôn ngoan.

Như người thầy John Keating đã nói: “Chúng ta không đọc và viết thơ vì nó dễ thương. Chúng ta đọc và viết thơ vì chúng ta là thành viên của nhân loại. Và nhân loại luôn tràn đầy niềm đam mê... Thơ ca, vẻ đẹp, lãng mạn, tình yêu chính là thứ khiến cuộc đời trở nên đáng sống.”

Còn nói như F. Scott Fitzgerald, cha đẻ của Đại gia Gatsby: “Bạn phát hiện ra rằng tài sản của mình cũng chính là của mọi người, rằng bạn không đơn độc và bị cô lập với người khác. Bạn đã thuộc về nơi ấy…”.