Học sinh vùng lũ trước nguy cơ bỏ học
>> Vinamilk ủng hộ nạn nhân lũ lụt miền Trung trên 1,4 tỷ đồng
>> Quyên góp mua sách giáo khoa tặng học sinh vùng lũ
>> Không để học sinh bỏ học sau lũ
Theo tin từ Bộ GD-ĐT, những trường học cuối cùng ở các tỉnh vùng lũ đã mở cửa trở lại nhưng còn ngổn ngang khó khăn. Đáng lưu ý, đang có hàng ngàn học sinh trước nguy cơ bỏ học...
Ông Nguyễn Khắc Hào, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, cho biết theo thống kê toàn tỉnh có 568 trường học bị ngập nước, trong đó gần 600 phòng học bị sập, gần 2.300 phòng học bị hư hỏng nặng, khoảng 13.000 bộ bàn ghế bị hỏng và cuốn trôi, trên 320 thư viện bị ngập nước, hàng ngàn máy tính, 170.000 bộ sách giáo khoa (SGK), nhiều thiết bị dạy học bị hỏng và thất lạc... Thiệt hại ước trên 400 tỉ đồng.
Thiệt hại quá lớn
Ông Nguyễn Kế Thân, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình, cho biết toàn tỉnh có gần 3.000 phòng học bị ngập nước và hư hỏng, hàng ngàn bộ bàn ghế, thiết bị dạy học, sách trong thư viện bị hỏng, thất lạc. Riêng SGK có khoảng 173.000 bộ bị mất, hỏng. Đáng ngại hơn, ngoài những thiệt hại có thể tính được của các nhà trường, còn có thiệt hại do các gia đình học sinh phải gánh chịu và đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học sau lũ.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, hai huyện Vũ Quang và Hương Khê chịu thiệt hại nặng nhất, đến cuối tuần qua những trường học cuối cùng mới tạm thời dọn dẹp xong để đón học sinh trở lại trường. Nhưng nỗi lo lớn nhất của ngành hiện nay là việc ổn định tinh thần học sinh và hạn chế tối đa nguy cơ học sinh bỏ học. Tại Quảng Bình, tuy học sinh đi học trở lại sớm hơn Hà Tĩnh nhưng nề nếp học tập chệch choạc. Theo ông Nguyễn Kế Thân, có gần 2.400 học sinh các cấp đang trong diện có nguy cơ bỏ học cao.
Việc khắc phục hậu quả của trận lũ lịch sử, theo đại diện ngành GD-ĐT các huyện vùng lũ, mới chỉ dám nghĩ đến việc dọn dẹp bùn đất, khắc phục số SGK, thiết bị dạy học chưa bị hỏng nặng. Vì chỉ số tiền chi cho SGK đã vượt quá khả năng của các địa phương và gia đình học sinh.
Ông Nguyễn Kế Thân cho biết để mua lại đủ SGK và đồ dùng cho học sinh các cấp cần 15,88 tỉ đồng, trong đó riêng bậc tiểu học là 7,5 tỉ đồng.
Hiện tại nhiều trường học ở các huyện Can Lộc, Đức Thọ (Hà Tĩnh) - nơi được xem là “đỉnh lũ”, cảnh học sinh lội bùn đi học, vừa học vừa lo phơi sách diễn ra khắp nơi. Cô Bùi Thị Phương Thảo, hiệu trưởng Trường tiểu học Tiến Lộc, Can Lộc, nói: “Nước lũ lên nhanh, ngập đến 1,2m. Nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh không kịp chạy lũ nên hiện có đến 2/3 trong tổng số trên 300 học sinh không có sách học. Số sách vở, thiết bị khắc phục được rất ít. Vì vậy, bây giờ nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì dù trường học có mở trở lại nhưng hoạt động dạy học khó có thể được bình thường”.
Lo đủ SGK cho học sinh
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: theo sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này NXB Giáo Dục đã in bổ sung đủ 400.000 bộ SGK, sẵn sàng cung cấp cho học sinh các tỉnh vùng lũ. Bộ GD-ĐT trong tuần qua đã họp với các tổ chức quốc tế, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để bàn về lộ trình hỗ trợ các tỉnh vùng lũ khắc phục hậu quả, trước mắt hỗ trợ kinh phí để mua và cung cấp đủ cho 100% học sinh vùng lũ đang thiếu SGK.
Sau hai đợt lũ, Bộ GD-ĐT đã có hai đoàn đi khảo sát tại các tỉnh bị thiệt hại do lũ; thăm hỏi các gia đình giáo viên, học sinh bị nạn; trao tiền, hiện vật do các tổ chức, cá nhân quyên góp cho các trường và học sinh bị thiệt hại. Riêng Tổ chức UNICEF đã chuyển một số lượng học cụ, thiết bị dạy học trị giá 100.000 USD cho hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Bộ GD-ĐT đã tổ chức quyên góp khoảng 3 tỉ đồng để giải quyết những khó khăn trước mắt cho các trường, học sinh vùng lũ.
Trao đổi sau khi từ vùng lũ Quảng Bình và Hà Tĩnh trở về, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Những nơi chịu thiệt hại nặng do lũ cũng là những nơi phải gánh chịu nhiều khó khăn. Chúng tôi đã đến khảo sát một số trường học bị thiệt hại nặng nhất, trước mắt trao một phần tiền, hiện vật hỗ trợ để các trường gượng dậy sau lũ".
"Mục tiêu trước mắt của Bộ GD-ĐT là kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ để đáp ứng đủ SGK cho học sinh, tiếp đến là thiết bị dạy học tối thiểu. Còn với các công trình trường học cần đầu tư lớn, Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp số liệu để đề xuất với Chính phủ có biện pháp hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và tổ chức quốc tế đầu tư. Bộ GD-ĐT cũng sẽ cân nhắc điều chỉnh các nguồn vốn để có thể tăng đầu tư cho các địa phương vùng lũ”, bà Nghĩa nói.
Theo Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ