Học sinh vùng khó được học tiếng Anh miễn phí

Việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy đã đưa Mù Cang Chải từ một địa phương có nguy cơ trắng tiếng Anh theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới thành địa phương có số lượng học sinh được tiếp cận với môn học này không nhỏ.

Mỗi buổi chiều thứ Ba hằng tuần, học sinh lớp 2A1 do cô Nguyễn Thị Liễu chủ nhiệm của Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Mồ Dề, Mù Cang Chải, Yên Bái lại sốt sắng, háo hức ngóng đến tiết học tiếng Anh theo dự án iLINK.

Trống vào lớp, các em học sinh ngồi nghiêm ngắn theo bàn cùng cô Liễu với vai trò là giáo viên đồng giảng, đợi cô giáo trong tivi treo góc lớp xuất hiện. Khởi động theo hướng dẫn của cô giáo, cô và trò trong lớp lấy năng lượng tích cực để bước vào tiết học. Tiết học hôm ấy, học sinh và cô Liễu học 2 từ mới liên quan đến đại lượng đo chiều dài. Đến phần làm bài tập, khi cô giáo trên “tivi” nói bạn nào xong rồi giơ tay, lập tức hàng trăm cánh tay từ 113 trường tiểu học còn lại của huyện Mù Cang Chải đồng loạt đưa lên cùng với học sinh lớp 2A1. Những nụ cười thật tươi tuy phát âm tiếng Việt chưa tròn vành rõ chữ nhưng vẫn bật tiếng Anh rõ ràng, rành mạch.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Mồ Dề, Mù Cang Chải, Yên Bái trong tiết tiếng Anh của iLINK

Mùa A Sua, học sinh lớp 2 của Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Mồ Dề tự tin giới thiệu tên mình cho biết học tiếng Anh rất vui, được chơi các trò chơi, lại còn được nhìn thấy nhiều bạn ở các trường khác.

Với cô Nguyễn Thị Liễu, thì từ năm học này, cô mới bắt đầu tham gia chương trình giảng dạy tiếng Anh trực tuyến kết hợp trực tuyến này. Được đào tạo chuyên ngành giáo dục Tiểu học, cô Liễu thừa nhận trình độ tiếng Anh của mình rất hạn chế bởi đã tốt nghiệp từ lâu, không có cơ hội dùng đến. Nên khi triển khai chương trình, các thầy cô giáo trong Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Mồ Dề nói chung và cô Liễu nếu riêng gặp rất nhiều khó khăn với vai trò đồng giảng.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của những đồng nghiệp thực hiện năm trước, từ đầu năm đã được tham gia tập huấn trực tiếp tại Mù Cang Chải và được hướng dẫn rất chi tiết, được cung cấp đầy đủ tài liệu như phân phối chương trình, sổ tay bài tập, bài giảng nên cô Liễu không gặp vướng mắc cũ. “Chỉ có duy nhất khó khăn với chúng tôi là các em học sinh phát âm chưa được chuẩn, mà đội ngũ giáo viên thì chưa biết nhiều về tiếng Anh nên gặp khó khăn khi hỗ trợ học sinh phần này”, cô Liễu nói.

Cô Liễu đánh giá sau 3 tháng triển khai, bản thân cô cũng được học tiếng Anh cùng học sinh. Không những thế còn học được phương pháp tổ chức giảng dạy rất tích cực của các thầy cô từ dự án. Từ đó có thể vận dụng vào các môn học khác, qua quan sát thì học sinh rất hào hứng khi thầy cô áp dụng các phương pháp đó.

Ví dụ như khi các thầy cô giáo đưa ra bài tập ở các buổi học thực hành trước đây học sinh dùng bảng con để viết đáp án thì giờ đây có thể quy ước bằng các ngón tay 1, 2, 3 hoặc thành a, b, c hoặc các ký hiệu. Đổi nhiều phương pháp như vậy giúp các em học sinh tiếp thu nhanh, hào hứng với tiết học mà không cảm thấy bị nhàm chán.

Cô Liễu cũng như các thầy cô khác tham gia dự án đồng giảng 2 tiết/tuần hoàn toàn miễn phí. Lãnh đạo nhà trường cho biết do điều kiện kinh tế khó khăn nên chỉ có chính sách hỗ trợ duy nhất cho các cô tham gia đồng giảng là giảm các công việc khác.

Kéo gần khoảng cách với vùng thuận lợi

Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải cho biết theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn tiếng Anh là môn bắt buộc từ lớp 3 trở lên. Ở các huyện vùng cao như Mù Cang Chải rất khó khăn vì huyện chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh ở bậc tiểu học. Thậm chí thời gian ban đầu, ông Thủy không biết phải làm như thế nào.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên cả nước triển khai mô hình học trực tuyến đã tạo cơ hội để Mù Cang Chải giải quyết bài toán dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học. Ngành giáo dục của huyện có duyên và rất may mắn khi tiếp cận được với tập đoàn EQuest, kết nối qua Quỹ chắp cánh sau đó là iSMART Hà Nội - đơn vị chủ trì, đại diện EQuest đứng ra tổ chức dự án này.

“Hình thức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến là hình thức khá mới mẻ đối với vùng cao, dự án giải quyết được cho vùng cao khá nhiều bài toán khó khăn. Trong đó có việc một giáo viên đứng từ một điểm cầu có thể dạy cho rất nhiều điểm cầu”, ông Thủy nói. Thứ nữa theo ông Thủy là giáo viên được tiếp cận với phương pháp dạy học mới, biết sử dụng các trang thiết bị điện tử, biết khai thác tư liệu điện tử, khai thác bài dạy trên nền tảng số. Giáo viên cũng có thêm những nhận thức về đổi mới trong phương thức dạy học. Đây là một trong những ưu điểm rất lớn khi triển khai mô hình này.

Tháng 1/2023, EQuest triển khai chương trình iLink tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. iLINK là mô hình dạy tiếng và học tiếng Anh theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tập trung vào việc cung cấp cơ hội tiếp cận bình đẳng với giáo dục tiếng Anh chất lượng cao cho học sinh tiểu học Việt Nam, bất kể vị trí địa lý hay tình trạng kinh tế. Dự án triển khai hoàn toàn miễn phí cho học sinh và các trường.

Việc triển khai mô hình này ở huyện Mù Cang Chải và Nam Trực đã mang lại kết quả ấn tượng. Tổng cộng có 3.691 học sinh tham gia dự án, trong đó có 1.827 học sinh lớp 1 và 1.864 từ lớp 3 cùng với 146 giáo viên đồng giảng ở Mù Cang Chải. Số học sinh này năm học này là lớp 2 và lớp 4 tiếp tục được học miễn phí theo dự án.

Tại huyện Mù Cang Chải, có 2.564 học sinh hoàn thành chương trình khoa học tiếng Anh, chiếm 69,6% số học sinh tham gia, trong khi có 2.853 học sinh (77,6%) hoàn thành xuất sắc chương trình Toán tiếng Anh. Điều này cho thấy sự cải thiện đáng kể về kỹ năng tiếng Anh của học sinh ở Mù Cang Chải cũng như tác động tích cực của dự án.