Học sinh và phụ huynh chật vật với học trực tuyến

TP - Một số hiệu trưởng, phụ huynh học sinh cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19, học trực tuyến là giải pháp tình thế, hiệu quả phụ thuộc nhiều yếu tố. Ngoài ra, học sinh, cha mẹ học sinh bậc tiểu học và cả trung học cơ sở loay hoay chật vật với việc học trực tuyến.
Trẻ nghỉ học, học trực tuyến khiến cuộc sống của không ít gia đình bị đảo lộn

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa yêu cầu các trường khi dạy học qua Internet cần đảm bảo việc quản lý thời gian, nội dung dạy học chặt chẽ. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học trực tuyến có chất lượng. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tham khảo, sử dụng nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập.

Nhà trường phải phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua Internet; phối hợp với gia đình có biện pháp quản lý việc học online của học sinh; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao.Khi học sinh đi học trở lại, các trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học.

Ngày 17/2, nhiều phụ huynh phản ảnh, sau ngày đầu tiên con học trực tuyến, sinh hoạt của gia đình đảo lộn. Một số trường sắp xếp kế hoạch cho học sinh lớp 1-2 học buổi tối để phụ huynh hướng dẫn, các khối lớp khác học trong ngày. Nhiều trường bỏ một số môn như thể dục, hoạt động trải nghiệm...

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong ngày đầu học sinh học trực tuyến, nhiều trường vẫn dạy qua phần mềm Zoom. Do ngày đầu dạy học, nhiều phòng học bị lỗi, cô trò, phụ huynh loay hoay mãi mới vào được lớp. Trong quá trình học, nhiều em bị thoát ra, phải đăng nhập lại. Không có sự giám sát của phụ huynh, trẻ nhỏ tuổi không hoàn toàn tập trung vào bài giảng của giáo viên.

 Chị Quỳnh Liên (có con học lớp 3 ở quận Hà Đông, Hà Nội) nói rằng, nếu dịch kéo dài sẽ ảnh hưởng chất lượng học tập. Theo dõi con học, chị thấy lớp học gần 50 học sinh, nhiều em mở mic nói lẫn cả tiếng phụ huynh nhao lên như chợ vỡ. Trong khi đó, nhà trường thông báo dạy bài mới đến tuần 22 và không dạy lại bài cũ khi trẻ quay lại trường học. 

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bà Trần Thị Bích Liên, cho biết, học sinh lớp 1 năm đầu tiên làm quen với học trực tuyến nên trường xếp thời khoá biểu buổi tối để có sự hỗ trợ, kèm cặp của phụ huynh. Học sinh lớp 2 đến lớp 5 học trong ngày với tất cả các môn. Nhà trường đã đề nghị các gia đình tạo điều kiện để học sinh có điện thoại, máy tính nối mạng. Nhà trường yêu cầu giáo viên soạn giáo án kỹ và phù hợp với dạy trực tuyến.

Bà Liên cho rằng, học trực tuyến là giải pháp tình thế, hiệu quả phụ thuộc nhiều yếu tố như sự tập trung của học sinh, sự tạo điều kiện của gia đình... “Phía nhà trường sẽ cử người điểm danh lớp, dự giờ thường xuyên để đánh giá chất lượng các giờ dạy”, bà Liên nói.

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, hơn 40 địa phương trên toàn quốc đóng cửa trường học, học sinh học trực tuyến, riêng trẻ mầm non nghỉ học hoàn toàn. Nhiều phụ huynh buộc phải nghỉ việc trông con hoặc cho trẻ làm bạn với thiết bị điện tử.TS Trần Thành Nam, Trưởng Khoa các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội),nói: “Đối với trẻ nhỏ, mỗi ngày khuyến khích con học hát hoặc vẽ và tối về báo cáo kết quả. Ngoài ra, phụ huynh không nên giao tivi, điện thoại hoàn toàn cho trẻ, phải kiểm soát nội dung trên You Tube..., tránh việc trẻ bị các video xấu, độc tác động”.