Học sinh tự tử để lại thư tuyệt mệnh 'Hận 4 bạn': Chuyên gia nói gì?

TPO - Nam sinh lớp 6 được phát hiện tử vong dưới sông Dinh (Ninh Thuận) vừa qua đã gióng hồi chuông cảnh báo tình trạng tự tử của học sinh lứa tuổi dậy thì.
Bạn bè tới chia buồn khi nam sinh lớp 6 tử vong

Ngoan, học giỏi mà không có khả năng chống đỡ cũng rất nguy hiểm

Nhận định về trường hợp học sinh lớp 6 tự tử để lại lá thư tuyệt mệnh vừa qua, TS Tâm lý Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý khoa học giáo dục Hà Nội cho rằng, tuổi cấp 2 trở đi là tuổi có nhiều biến động tâm lý nên việc các em bị tác động tâm lý nhiều. Khi đó, các em không có bản lĩnh, thiếu được giáo dục dễ bị cuốn hút vào những suy nghĩ tiêu cực.

“Trong trường hợp này học sinh nghĩ bạn bè chơi xấu, em sẽ cảm thấy bị khổ sở, bị nhục nhã không muốn sống nữa. Bản thân em không thể chia sẻ được với ai, không ai giúp em ấy nhìn ra mặt tích cực của cuộc sống thành ra mới có hành động đáng tiếc này xảy ra”- TS Lâm nhận định.

Cũng theo TS Lâm, có trường hợp  lớp 11 nhưng chỉ vì clip hôn bạn trai tung trên mạng, bị cộng động mạng “phang” thêm, các em lập tức nghĩ sẽ bị vấy bẩn và nghĩ không thể sống được. Các em không có kĩ năng để chống lại các mặt trái của xã hội.

“Chúng ta cứ lo làm sao để con mình ngoan, con học giỏi nhưng không biết nếu con không có khả năng chống đỡ những rào cản của xã hội thì  thật nguy hiểm. Giỏi với ngoan chưa đủ”- TS Lâm nhấn mạnh.

TS Nguyễn Tùng Lâm

TS Lâm cho rằng, ngay từ cấp 1, cáp 2 đã phải dạy các em giá trị sống, kĩ năng sống, giá trị của con người là quan trọng. Các em phải biết tự trọng, đề cao giá trị của bản thân chứ phông phải một vài lời nói mà sẵn sàng hủy hoại bản thân mình. Ngoài ra, các em phải có kĩ năng chia sẻ vì không khi có việc gì đó cứ  lầm lũi làm theo ý nghĩ của mình.

Trong khi đó, Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà (trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) cho rằng, đối với những đứa trẻ cần chú ý không chỉ là vấn đề học tập nữa mà cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần, phụ huynh cần chú ý đến cảm xúc của con, nhất là lứa tuổi con chuẩn bị thành người lớn thì có nhiều suy nghĩ  bồng bột, hành động bồng bột.

“Cho nên, bố mẹ cần nhiều thời gian chia sẻ với con, xem con có vấn đề gì buồn chán, hay khó giải quyết hay không đó cũng là cách làm giảm đi cái nguy cơ rằng các con chán sống”- bà Hà nói.

 Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà

Bà Hà cho rằng, khi con có biểu hiện buồn, có vấn đề nào đó thì phụ huynh phải quan sát nhiều hơn để tìm hiểu xem vấn đề của con đã được giải quyết chưa và con có suy nghĩ thế nào về vấn đề đó.

“Trong trường hợp con buồn chán  như than thở, không ăn được, khó khăn trong việc đến trường thì chắc chắn con đang gặp phải vấn đề nào đó và bố mẹ phải tìm hiểu. Ngay cả khi bố mẹ không tìm hiểu mà con vẫn có tín hiệu đấy thì chính các em phải tìm đến chuyên gia”- Bà Hà nói.

Phòng tham vấn tâm lý học đường ở đâu?

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, phụ huynh, học sinh có thể đến các phòng tâm lý học đường. Các con có thể gặp các chuyên gia thì để giảm đi nguy cơ nguy hiểm. Vì câu chuyện của trẻ con đôi khi rất đơn giản nhưng chúng vẫn hành động rất bồng bột.

“Qua những câu chuyện của con thì các nhà tâm lý biết và giúp các con không hành động bột phát dẫn đến việc đáng tiếc. Thực ra, đầu tiên, ở khía cạnh gia đình cần quan sát con có dấu hiệu gì để trao đổi với con và giáo viên. Giáo viên cũng có thể quan sát xem con có sự thay đổi thất thường về mặt cảm xúc ý, thay đổi về tính thường xuyên đi học, cách học bài để trao đổi lại với phụ huynh tìm hướng giải quyết”- bà Hà nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý khoa học giáo dục  Hà Nội cho hay, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường phải có bộ phận tham vấn tâm lý học đường để hỗ trợ những học sinh có vấn đề trong cuộc sống. Thế nhưng, từ chủ trương đến hiện thực còn xa, không biết bao giờ làm được.

“Nhu cầu tham vấn tâm lý học sinh ở các cấp rất quan trọng. Ở các nước chú ý từ lâu rồi nhưng ở Việt Nam còn thiếu. Theo tôi, những giáo viên học sư phạm phải được trang bị kiến thức phát hiện, lắng nghe trẻ để các em chia sẻ. Đằng này, nhiều giáo viên còn dọa nạt học trò thì làm sao các em tin tưởng để chia sẻ. Ngay cả bố mẹ ở nhà cũng không chia sẻ nhiều với con cái”- TS Lâm nói.

TS Lâm cho rằng, gia đình phải thấy trách nhiệm lớn lao như thế nào để giúp đỡ các em cởi mở, chia sẻ mới biết đường tháo gỡ.

“Như trong trường hợp học sinh này, bản thân em học sinh phải có ý thức tìm người giúp đỡ. Tuy nhiên, nhiều học sinh bây giờ chưa có ý thức tìm người giúp đỡ mà tự ý giải quyết. Khi tự ý giải quyết thì sẽ dẫn đến sai lầm”- TS Lâm nhấn mạnh.