Đã 3 tuần trôi qua kể từ khi vụ giẫm đạp gây chết người xảy ra ở Itaewon, Seoul, Hàn Quốc, tối 29/10. Vụ việc cướp đi sinh mạng của 158 người và nhiều người khác bị thương nặng về cả thể xác lẫn tâm lý. Trong khi người dân Hàn Quốc vẫn đang cố gắng phục hồi sau thảm kịch, xu hướng đáng lo ngại đang phát triển trong một bộ phận học sinh tại xứ sở kim chi.
Trên mạng xã hội, những bài đăng đính kèm hashtag # Itaewon Game và # Itaewon Game đang gia tăng. Trong trò chơi này, nhiều học sinh nằm chồng lên nhau tạo thành “núi” người và học sinh ở dưới cùng sẽ thắng dựa trên số lượng người đè lên cơ thể người đó.
Theo Koreaboo, trò chơi này vốn tồn tại trong nhiều năm dưới nhiều tên gọi khác nhau như Trò chơi Hamburger, Thử thách mất ý thức và Trò chơi bánh mì kẹp. Giờ đây, một số học sinh Hàn Quốc dường như đang tìm kiếm niềm vui méo mó bằng cách bắt chước đám đông bị giẫm đạp vào ngày Halloween và đổi tên thành Trò chơi Itaewon.
Theo mô tả của học sinh trung học họ Park đến từ Seoul, đầu tiên, mọi người di chuyển bàn ghế sang một bên để một bạn nằm dưới đất ở giữa lớp học, sau đó, nhóm khoảng 10 người trở lên bắt đầu xếp chồng lên nhau, đè lên người phía dưới. Trò chơi này đã trở thành hoạt động thường xuyên trong giờ giải lao. Tuy nhiên, không phải ai cũng hưởng ứng. “Tôi thực sự bị sốc khi thấy các bạn chơi Trò chơi Hamburger và gọi nó là Trò chơi nghiền nát Itaewon”, Park nói.
Trong bài đăng trên mạng, một học sinh khác cho biết các bạn học bắt chước thảm kịch trong giờ ăn trưa. “Khi chúng tôi đang ăn trưa, một số bạn hét lên ‘Đẩy, đẩy’ và bắt chước thảm kịch Itaewon. Họ chọn một học sinh rồi đè lên người đó bằng Trò chơi Hamburger để bắt nạt. Hôm nay, học sinh trường tôi lại tiếp tục. Một bạn học nói rằng cậu ấy đau lưng và không thở được”, học sinh ẩn danh viết.
Xu hướng gia tăng Trò chơi Itaewon khiến các bậc phụ huynh và nhiều người khác lo ngại đây có thể trở thành hình thức bắt nạt mới và gây tử vong trong trường học. Không may, nỗi sợ hãi này có căn cứ. Năm 2011, một học sinh trung học thiệt mạng trong Trò chơi Hamburger sau khi bị các bạn trong lớp cố đè lên người.
Hiệp hội giáo viên thông hiểu truyền thông Hàn Quốc (KATOM) bày tỏ quan ngại về vấn đề này: “Nếu trẻ em và thanh thiếu niên chơi trò tái hiện một sự cố, nguy cơ cao sẽ dẫn đến tai nạn lớn liên quan đến an toàn do các em không nhận thức đúng về rủi ro”.
Một số chuyên gia cho rằng học sinh nhỏ tuổi cần được hướng dẫn thích hợp về cách phản ứng với những thảm kịch công khai.
“Khi các video về thảm họa không được lọc và chỉnh sửa đang được chia sẻ trên mạng xã hội, có nhiều lo ngại học sinh có thể có nhận thức sai lệch… Mặc dù chấn thương hàng loạt được ghi nhận, nhưng vấn đề lớn là không có giáo dục về cách học sinh chấp nhận và nhận ra thảm họa”, Giáo sư Yoo Hyun Jae, Khoa Truyền thông tại Đại học Sogang (Seoul), cảnh báo.
Lim Myung Ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankuk (Seoul), nhận định việc thanh thiếu niên bắt chước mọi thứ không hề xa lạ. Hành vi này từng được phản ánh trong Trò chơi tự sát, còn được gọi là “Thử thách cá voi xanh”, gây chấn động toàn cầu vào năm 2016. Theo Giáo sư Lim, khi những khái niệm méo mó như vậy trở thành xu hướng, hầu hết thanh thiếu niên sẽ làm theo chúng mà không nghĩ đến hậu quả.
Lee Chang Ho , một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia Hàn Quốc, cho rằng học sinh cần được dạy tư duy phản biện để tránh những hành vi sai trái xung quanh một sự kiện thảm khốc như vụ giẫm đạp ở Itaewon.