Chiếc đàn piano độc nhất vô nhị này là một trong những sản phẩm độc đáo tham dự chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 do T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức.
Bạn Lưu Hoàng Bảo Khang, trưởng nhóm chia sẻ: “Việc học khí nhạc của học sinh cấp Tiểu học, THCS nói riêng hay những người đam mê âm nhạc nói chung đã có sách giáo khoa cung cấp rất đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề thực hành hay luyện tập tại nhà còn nhiều hạn chế, bởi giá thành nhạc cụ còn khá mắc đối với học sinh, sinh viên. Đặc biệt, đàn piano giá thành lại còn mắc hơn cả. Từ thực tế đó, bọn em đã nghiên cứu chế tạo đàn piano trái cây với giá thành rẻ, ai cũng có thể mua hoặc tự làm được”.
Bảo Khang cùng với 2 bạn học là Huỳnh Hải Đăng và Lê Quang bàn bạc với nhau, nghiên cứu, tìm hiểu thêm trên mạng, kết hợp với những kiến thức hóa học, vật lý đã được học tại trường, tìm ra được ý tưởng của riêng mình. Ý tưởng của nhóm Bảo Khang được cô giáo dạy môn Hóa học Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành ủng hộ, hướng dẫn tận tình.
Khang cho biết, với việc tìm hiểu về cách sử dụng và lập trình Arduino thông qua Internet, nhóm đã có thể lập trình thành công chiếc đàn piano với 8 nốt cơ bản (Đô, Rê, Mi, Pha, Son, La, Si, Đô) bằng sự kết hợp với tệp thư viện pitches.h.
“Đàn hoạt động dựa trên sự điện ly của các chất trong trái cây để nhận tín hiệu từ tay đưa vào bo mạch chính Arduino. Sự điện ly là sự phân ly các chất trong nước tạo ion. Trái cây tươi có chứa một lượng lớn nước và các chất có khả năng điện ly, vì thế quá trình điện ly có thể xảy ra dễ dàng. Khi chạm tay vào trái cây, tín hiệu được truyền đến bo mạch chính và thông qua dữ liệu code được nạp vào từ trước chuyển thành tín hiệu âm thanh, đưa ra loa các nốt tương ứng theo vị trí của nốt mà ta chạm tay vào”, Bảo Khang hào hứng giới thiệu về đàn piano trái cây.
Nhóm 3 học sinh Bảo Khang, Hải Ðăng và Lê Quang sẵn sàng chia sẻ công thức lập trình, cũng như cách làm chiếc đàn này. Tuy nhiên, chiếc đàn cũng có những hạn chế nhất định, đó là không có nhiều nốt nhạc, chỉ có 8 nốt cơ bản; trái cây khó bảo quản, nhanh hỏng. Vì vậy, có thể thay trái cây bằng thanh kim loại mà không bị ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh.