Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT nói gì?
Trước thông tin trường ĐH Y Dược TPHCM có mức học phí ngành y đa khoa lên đến 68 triệu đồng/năm, ngành Răng – Hàm – Mặt là 70 triệu đồng/năm, với sinh viên khóa mới (vào trường năm 2020), ngày 5/6, ông Ngô Vũ Thắng, Trưởng phòng Tài chính sự nghiệp, Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), cho biết, cá nhân ông chỉ nắm được thông tin này sau khi đọc báo. Trường ĐH Y dược TPHCM là 1 trong 11 trường đào tạo y, dược trực thuộc Bộ Y tế. Đây là đơn vị được bắt đầu thực hiện tự chủ từ năm 2020 nên không cần phải báo cáo Bộ Y tế khi xây dựng mức thu học phí.
Trước việc dư luận xôn xao về mức học phí này, Bộ Y tế đã yêu cầu trường giải trình, trong đó có căn cứ việc xây dựng mức học phí này thế nào, bao gồm bảng định mức kinh tế khi xây dựng giá từng ngành học.
Ông Thắng cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi Bộ GD&ĐT để làm rõ xem các trường được tự chủ chi thường xuyên sẽ xây dựng mức học phí thế nào.
Hiện các cơ sở giáo dục xây dựng giá học phí theo Thông tư 14 của Bộ GD&ĐT, quy định chi tiết định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo. Trong đó các trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên sẽ tự xây dựng mức giá trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do trường ban hành. Khi đó, nhiều trường tự chủ dù cùng ngành học nhưng có thể sẽ có nhiều mức học phí khác nhau do cách đào tạo, cơ sở vật chất… khác nhau.
”Giờ chúng tôi chưa thể đánh giá mức học phí như vậy có hợp lý không. Vì để xây dựng giá học phí phải căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật nhưng hiện chưa có bảng đó nên không biết cụ thể họ xây dựng trên cơ sở nào, kết cấu gồm những gì”, ông Thắng nói. Mặc dù vậy, trưởng phòng Tài chính sự nghiệp của Bộ Y tế đánh giá, mức tăng gấp 4-5 lần sau 1 năm là quá cao, nếu tăng cần có lộ trình phù hợp.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, trường cần chứng minh chi phí của trường bỏ ra, mức thu bao nhiêu nhằm bù lại chi phí đó, chứ không được thu tăng lên để có lợi nhuận. Hiện Chính phủ đang giao Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính phối hợp để ban hành hướng dẫn về việc xây dựng học phí với những trường tự chủ tài chính.
Điểm chuẩn của ĐH Y Hà Nội sẽ ở mức “khủng”?
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học, trường THPT chuyên Sư phạm cho biết, với chính sách học phí mới của trường ĐH Y dược TP HCM năm học 2020 – 2021, sẽ có một làn sóng các thí sinh ngậm ngùi xa rời ước mơ cánh cổng trường ĐH này. Một số thí sinh đã tính đến việc “du học” Hà Nội bằng cách đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 về ĐH Y Hà Nội. Một số lực học yếu hơn tính đến các trường Y khác trong khu vực như Y Phạm Ngọc Thạch, Y Dược Cần Thơ hay tính xa hơn ra Y Dược Huế hay Tây Nguyên.
Trước câu hỏi của phóng viên, với đề tham khảo như năm nay, cộng với dự đoán của thầy về làn sóng “di chuyển” mới, điểm chuẩn của trường ĐH Y Hà Nội sẽ như thế nào? Thầy Công phân tích, điểm mới đặc biệt quan trọng là trường dành tới 25% chỉ tiêu để tuyển thẳng các đối tượng đạt giải nhất kì thi chọn học sinh giỏi Quốc gia các môn: Toán, Tin, Lí, Hóa, Sinh, Tiếng Anh cùng với các thí sinh chọn đội tuyển Quốc tế và các thí sinh có giải Quốc tế môn Toán, Tin, Lí, Hóa, Sinh và các thí sinh đạt giải Quốc tế kì thi khoa học kỹ thuật, các thí sinh bảo vệ đề tài khoa học kỹ thuật bằng tiếng Anh...
Mặt khác, chính sách cộng điểm dành cho các đối tượng thí sinh đã tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia cũng là điểm mới chưa từng có: Giải Nhất cộng 5 điểm, giải Nhì 4 điểm, giải Ba 3 điểm, giải khuyến khích 2 điểm và tham gia thi chọn học sinh giỏi Quốc gia không có giải được 1 điểm. Nếu chỉ xét riêng 400 chỉ tiêu Y học thì 100 chỉ tiêu cho tuyển thẳng và các chỉ tiêu còn lại có các thí sinh được cộng điểm ưu tiên khủng như trên thì các thí sinh còn lại không có điểm ưu tiên cũng đang đứng ngồi không yên.
“Nếu mức độ khó của đề tương đương đề tham khảo mà Bộ đã công bố, điểm sàn trúng tuyển của Y đa khoa Y Hà Nội năm nay sẽ là một con số rất khủng. Các thí sinh khu vực 3 không có điểm ưu tiên phải thực sự nỗ lực để không bị sai bất kỳ câu hỏi nào, cơ hội vào Đại học Y của em mới được đảm bảo”, thầy Công khẳng định.