> Đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện: Bắt đầu từ đâu?
Hàng nghìn chỉ tiêu hệ nghề
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố mức điểm sàn ĐH năm 2012, toàn quốc có khoảng gần 500.000 thí sinh có tổng điểm thi dưới điểm sàn.
Những thí sinh này không được tham dự xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào hệ ĐH chính quy ở các trường đại học, trong đó chắc chắn cũng còn rất nhiều thí sinh không đủ điểm để xét tuyển vào hệ CĐ chính quy.
Không trúng tuyển ĐH, CĐ chính quy không phải là con đường học vấn đã hết. Các bạn có thể học nghề, học TC chuyên nghiệp… vẫn có thể tạo dựng cho mình một ngành nghề vững chắc để vào đời.
Thủ tục xét tuyển vào trường nghề
Các trường nghề đều tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển. Tùy từng trường, các trường có thể tuyển theo điểm thi ĐH, CĐ 2012; tuyển theo học bạ THPT hoặc theo điểm thi tốt nghiệp. Thời hạn tuyển sinh của các trường này kéo dài sau mùa tuyển sinh ĐH, CĐ. Hồ sơ xét tuyển có thể mua tại trường. Học sinh tốt nghiệp trường Trung cấp nghề và CĐ nghề được cấp bằng nghề theo mẫu của Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh xã hội.
Hiện đào tạo nghề có ba cấp trình độ: CĐ nghề, TC nghề và sơ cấp nghề. Trình độ CĐ được thực hiện 2-3 năm học, TC nghề 1-2 năm và sơ cấp nghề từ ba tháng đến một năm tùy theo nghề đào tạo.
Hiện cả nước có gần 140 trường CĐ nghề, hơn 300 trường TC nghề tuyển sinh và đào tạo nghề chính quy trình độ TC và CĐ với tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hằng năm là hơn 100.000.
Đó là chưa kể cơ hội học nghề ngắn hạn ở hơn 2.000 cơ sở dạy nghề cả nước với hơn 400 nghề. Nét chung của hệ này là giảm lý thuyết, tăng thực hành. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề phân bố trên cả nước.
Trong nhiều buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng: Học nghề ở các bậc sơ cấp, trung cấp hay cao đẳng là chọn một con đường ngắn hơn để vào đời.
Nhiều người hiện nay chỉ sau hơn 3 tháng học nghề đã có thể đi làm và có thu nhập ổn định. Bất cứ quốc gia nào cũng cần nhiều lao động có tay nghề và sẽ cần thợ nhiều hơn kỹ sư. Do vậy, nếu học nghề đúng với khả năng, sẽ có nhiều cơ hội việc làm và cả cơ hội học tiếp lên trình độ cao hơn.
Rộng cửa vào đời
Theo quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT, học viên tốt nghiệp hệ nghề được học liên thông lên CĐ, ĐH chính quy.
Điều này mở ra một hướng đi mới cho những người theo học hệ nghề: Học nghề vẫn có thể lấy được bằng CĐ, ĐH chính quy. Bộ GD&ĐT cũng đã cấp phép cho 16 đơn vị được đào tạo liên thông từ hệ nghề lên CĐ, ĐH chính quy.
TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng: Những người yêu thích một ngành nghề nào đó và muốn có bằng ĐH chính quy ngành đó nhưng không vào ngành bằng con đường thi ĐH thì có thể chọn con đường vòng bằng cách học nghề.
Sau khi tốt nghiệp hệ nghề, các bạn sẽ thi liên thông lên CĐ rồi học và thi tiếp lên ĐH chính quy. “Con đường vòng dù lâu hơn nhưng đó là cách để các bạn có được tấm bằng chính quy đúng với ngành mà bạn mong muốn”, TS. Dũng nói.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng: Nếu không thể vào đời bằng con đường học ĐH, CĐ chính quy thì lựa chọn học nghề là một lợi thế, đặc biệt là học nghề ngắn hạn.
Theo thầy Trần Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (TPHCM), nếu chọn học nghề ngắn hạn, chỉ với ba tháng đến một năm, một người vừa tốt nghiệp THPT có thể tự tin với nghề nghiệp đàng hoàng đi tìm việc. Nếu muốn nâng bằng cấp lên thì có thể vừa làm vừa học tiếp.
Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng Phòng dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh xã hội TPHCM nhận định: So với dạy nghề chính quy dài hạn, các lớp nghề ngắn hạn hấp dẫn người học, vì thời gian đào tạo ngắn.
Mặt khác, do đào tạo ngắn hạn nên các cơ sở dạy nghề năng động thay đổi chương trình, thị trường lao động cần nghề gì, các lớp nghề ngắn hạn có thể đáp ứng nhanh hơn.
Hiện nay, hàng loạt các khóa học nghề ngắn hạn, dài hạn được mở ra với nhiều ngành nghề hấp dẫn như: Sửa chữa điện thoại di động, nấu ăn, pha chế, lập trình mobile, bảo mật hệ thống mạng…
Th.S Nguyễn Hoàng Anh, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ Thông tin Ispace cho rằng: Học những nghề nói trên, người học có thể tự mở cơ sở, mở công ty để làm chủ hoặc có thể làm thuê cho các doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp và xã hội có nhu cầu lớn về những ngành nghề này.
Một vài năm trở lại đây, một số trường nghề đã có những bước đi “mang tính đột phá”: Liên kết đào tạo nghề với các trường nghề ở nước ngoài để đào tạo đủ ba trình độ nghề.
Sự liên kết này đem đến cho các trường nghề cơ sở vật chất hiện đại, cải tiến giáo trình, mời giáo viên nước ngoài vào giảng dạy, đưa giáo viên đi tu nghiệp ở nước ngoài, thậm chí tuyển học viên, học sinh, sinh viên học nghề tiếp tục du học nghề.
Có thể kể ra một số địa chỉ từ lâu đã có các lớp, nghề liên kết với nước ngoài hoặc sử dụng trang thiết bị dạy học, tham khảo hoặc học bằng giáo trình từ nước ngoài trong việc đào tạo nghề như: Trung tâm Việt - Đức (ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM), Trường cao đẳng nghề Lilama 2, Trường cao đẳng nghề VN - Singapore…