Công ty Nhật đặt hàng ĐH Việt Nam đào tạo
Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trường có ký kết hợp đồng hợp tác đào tạo với Nghiệp đoàn của Nhật Bản: Nishinihon Kaigai Gyomu Shien Kyodokumiai; F.Advance Keizai kyoudo Kumiai.
Trong mùa tuyển sinh năm 2018, trường dành 250 chỉ tiêu trong gói chỉ tiêu chung để đào tạo 3 ngành (Công nghệ kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ; công nghệ kỹ thuật ô tô, Logistics và vận tải đa phương thức) cho hai nghiệp đoàn của Nhật Bản.
Theo đó, chương trình đào tạo này được thiết kế theo yêu cầu đảm bảo kiến thức nền tảng và theo yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản (chương trình chuẩn Nhật). Ngoài ra chương trình còn chú trọng đảm bảo đào tạo kỹ năng mềm, văn hóa doanh nghiệp thành thục.
Sinh viên thực tập cũng được hưởng lương. Tại doanh nghiệp trong nước, thời gian thực tập tối thiểu 1 năm/ 1 lần; 1 lần tối thiểu 3 tháng; Thực tập ngắn hạn (Internship) tại Nhật, thời hạn 3 tháng; Thực tập sinh kỹ năng tại Nhật, thời hạn 1 năm hoặc 3 năm (đúng ngành nghề).
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam miễn phí; Được cam kết đảm bảo 100% có việc làm tại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp nếu hoàn thành đầy đủ các chương trình theo yêu cầu (không yêu cầu cam kết ràng buộc).
Lương 5000 đô la/tháng
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Quản lý Chuỗi cung ứng & Logistics đã và đang trở thành lĩnh vực mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng tiềm năng và cơ hội để ngành Quản lý Chuỗi cung ứng & Logistics ở Việt Nam phát triển là rất lớn, đặc biệt khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực.
Tại Diễn đàn “Kết nối châu Á: Thương mại, Vận tải, Logistics và Kinh doanh” vừa được tổ chức cuối tháng 6, các diễn giả cũng cho biết Logistics là lĩnh vực ghi nhận mức độ tăng trưởng lớn và đầy hứa hẹn của thị trường lao động ngay cả trong thời kì suy thoái kinh tế.
Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), chỉ tính riêng nguồn nhân lực cho các công ty cung cấp dịch vụ Logistics (không bao gồm các công ty vận tải thủy, bộ, biển, hàng không, chuyển phát nhanh, cảng thuần túy) từ nay tới năm 2030 sẽ cần đào tạo mới và bài bản 250.000 nhân sự. Nhiều vị trí khan hiếm nhân lực từ lãnh đạo - quản trị tới quản lý, giám sát và cả nhân viên chuyên nghiệp.
Và nếu tính thêm các công ty vận tải, và các công ty sử dụng dịch vụ Logistics thì trong vòng 15 năm tới, Việt Nam cần đào tạo 717.500 nhân sự Logistics các cấp. Một con số cực kỳ ấn tượng.
Theo báo cáo lương 2016 của Jobstreet, một trong những mạng việc làm trực tuyến lớn nhất tại Châu Á, mức lương khởi điểm đối với ngành Quản lý Chuỗi cung ứng & Logistics dao động từ 5 - 9 triệu/tháng. Mức lương tăng dần theo số kinh nghiệm, kỹ năng được tích luỹ. Với vị trí cấp cao và trưởng nhóm, mức lương trung bình tăng lên từ 15 - 23 triệu/tháng.
Song, cũng không thiếu những công ty sẵn sàng trả cho vị trí này từ 80 - 100 triệu/tháng. Đây chắc chắn là một mức lương cao đối với mặt bằng chung các ngành dịch vụ tại Việt Nam.
Còn theo trường ĐH CNGTVT, mức lương khởi điểm cho nhân sự mới tốt nghiệp của ngành này so với nhiều ngành khác là rất hấp dẫn khoảng từ 400-500 USD/tháng. Với những vị trí chủ chốt, quan trọng mang tính quốc tế hầu hết phải thuê lao động từ nước ngoài có mức thu nhập rất “khủng” từ 3.000 - 5.000 USD/tháng.
Nghe hấp dẫn là thế, tuy nhiên, nhân lực ngành Logistics Việt Nam hiện nay lại rất “khát” nhân lực. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu phát triển Logistics, hơn 50% doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay thiếu đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn về Quản lý chuỗi cung ứng & Logistic và Vận tải đa phương thức, khoảng 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên.
Hiện nay số trường ĐH đào tạo ngành Quản lý chuỗi cung ứng và Logistic của Việt Nam cũng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nên cơ hội việc làm cho sinh viên ngành này thời gian tới là rất rộng mở.