Gần đây liên tiếp xuất hiện các vụ bạo hành gia đình, mức độ ngày càng nghiêm trọng, thậm chí cả án mạng, xảy ra chủ yếu ở các gia đình trẻ. Theo bà vì sao lại có sự gia tăng các vụ bạo hành?
Bạo hành gia đình trong cuộc sống hiện đại đang có xu thế gia tăng. Điều đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Nhịp sống của mình bây giờ nhanh, gấp khiến mỗi người bị cuốn vào guồng quay bận rộn, căng thẳng. Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu của mỗi người ngày càng cao, từ học hành, làm việc đến ăn mặc, vui chơi, giải trí, hưởng thụ… Khi không thỏa mãn được nhu cầu, bị thua kém bạn bè, đồng nghiệp, họ dễ nảy sinh căng thẳng dồn nén. Với người đàn ông, trong vai trò là trụ cột gia đình, áp lực càng cao hơn. Bức xúc dồn nén, không giải quyết được dễ dẫn đến mất cân bằng tâm lý, ý thức không kiểm soát được thì vô thức bùng lên, dẫn đến những hành động sai trái.
Trong xã hội hiện đại, cái tôi được đề cao. Nếu như trước kia ràng buộc xã hội là vấn đề mấu chốt, thì bây giờ là cái tôi được đề cao lên. Vì thế, rất dễ nảy sinh va chạm. Mọi người chỉ quan tâm cái tôi của mình. Cái tôi lớn, trong khi điều kiện thực tế không đáp ứng đươc thì cái tôi bị khủng hoảng. Từ nhận thức sai dẫn đến thái độ sai và hành động sai. Đó là logic trong phát triển tâm lý, nhận thức tôi phải thế này thế kia, nhưng thực tế không phải vậy, dẫn đến thái độ bức xúc, không làm chủ bản thân và dẫn đến hành động, việc làm sai. Vấn đề quan trọng là phải thay đổi nhận thức, hạ thấp cái tôi của mỗi người xuống.
Về góc độ tâm lý, con người có bản năng hung tính. Trong đạo Phật gọi là tính thiện và tính ác. Nếu chúng ta phát triển phần thiện, dưỡng lòng nhân ái con người lên thì sẽ lấn át, chiến thắng được bản năng hung tính có sẵn, giúp mỗi người điều tiết được cảm xúc.
Theo bà, bạo hành gia đình có phải chỉ riêng người phụ nữ đau khổ?
Người phụ nữ trực tiếp bị bạo hành là người khổ nhất, đau cả thể xác lẫn tâm hồn. Không gì đau khổ hơn khi bị chính người mình yêu thương, “đầu gối tay ấp” đánh đập. Nhưng sống trong một gia đình có cảnh bạo hành không ai sướng cả, kể cả người chồng không sung sướng gì, trong đó, con cái ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề. Nhiều đứa trẻ bị tự ti, mặc cảm, chán nản bỏ nhà đi, con trai dễ sinh xu hướng bạo lực, con gái chán nản, mất niềm tin vào đàn ông, mái ấm gia đình. Tôi từng điều trị tâm lý cho đứa trẻ chỉ mới học lớp 1 thôi nhưng cháu đã bị rơi vào khủng hoảng tâm lý khi chứng kiến cảnh bố bạo lực mẹ, dẫn đến ly hôn. Đỉnh điểm của sự khủng hoảng là đứa trẻ đó đòi nhảy từ tầng 3 của trường xuống tự tử nhưng may mắn cô giáo phát hiện kịp thời. Hệ lụy, hậu quả của bạo hành gia đình rất nặng nề.
Giải pháp nào để mỗi gia đình hóa giải được va chạm, mâu thuẫn?
Theo tôi, định hướng giá trị trong giới trẻ bây giờ có vấn đề. Họ đề cao cái tôi, đề cao giá trị vật chất, hưởng thụ. Giới trẻ bây giờ bị ngộp trong biển thông tin mà không có được sự định hướng chuẩn mực nên một bộ phận bạn trẻ không xác định được mục tiêu sống của mình là gì và bị cuốn theo giá trị lệch lạc.
Ở các nước trên thế giới, họ rất coi trọng định hướng cho giới trẻ. Chúng ta cần định hướng cho giới trẻ chân giá trị của mình, biết yêu thương, sẻ chia, vị tha. Sự định hướng đó bắt đầu từ gia đình rồi đến nhà trường và xã hội. Các tổ chức Đoàn, Hội cũng cần có sự chung tay vào cuộc để giới trẻ có đủ hành trang, kỹ năng, nhận thức đúng đắn khi bước vào đời
Học làm vợ, làm chồng là điều vô cùng cần thiết khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, tham gia khóa học tiền hôn nhân là điều kiện bắt buộc. Ở Việt Nam, chúng ta coi nhẹ vấn đề này, thậm chí là yêu nhanh, cưới vội, không kịp chuẩn bị tâm lý nên khi bước vào cuộc sống hôn nhân dễ bị sốc, dễ dẫn đến những va chạm, mâu thuẫn mà không có đủ kỹ năng giải quyết.
“Tất nhiên, người phụ nữ trực tiếp bị bạo hành là người khổ nhất, đau cả thể xác lẫn tâm hồn. Không gì đau khổ hơn khi bị chính người mình yêu thương, “đầu gối tay ấp” đánh đập. Nhưng sống trong một gia đình có cảnh bạo hành không ai sướng cả, kể cả người chồng không sung sướng gì, trong đó, con cái ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề. Nhiều đứa trẻ bị tự ti, mặc cảm, chán nản bỏ nhà đi, con trai dễ sinh xu hướng bạo lực, con gái chán nản, mất niềm tin vào đàn ông, mái ấm gia đình”. Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý
Làm vợ trong cuộc sống hiện đại không hề đơn giản, phụ nữ vừa phải ra ngoài xã hội làm việc, vừa phải chăm lo, vun vén gia đình, trong khi đàn ông Việt Nam phần nhiều có tính gia trưởng. Vì thế, phụ nữ hiện đại cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết, phải khéo để làm chủ cuộc sống và đặc biệt phải biết yêu thương bản thân mới yêu thương được người khác. Đàn ông phát huy vai trò, trách nhiệm trong gia đình, kiềm chế cái tôi, kiềm chế cảm xúc, thấu hiểu, sẻ chia với người vợ.
Cảm ơn bà.