Hoạt động văn hóa nghệ thuật TPHCM chưa tương xứng tiềm năng

TP - Phát biểu tại hội nghị kiểm tra, đánh giá việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại địa bàn TP.HCM ngày 20/4/2019, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: “Văn hóa TPHCM đã phát triển nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng”.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Ðầu tư chậm chạp, không đồng bộ

Báo cáo của ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nêu: “Trong con mắt người dân Nam bộ, TPHCM không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là trung tâm văn hóa. Người dân các tỉnh thường đi lên thành phố là để tham quan, du lịch, thưởng thức các chương trình nghệ thuật, vì vậy vai trò đầu tàu về văn hóa của TPHCM cũng quan trọng không kém vai trò đầu tàu về kinh tế”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang cho biết, mỗi năm thành phố đón 38 triệu lượt khách du lịch, bởi vậy TPHCM còn là bộ mặt của cả nước. Đảng bộ, chính quyền không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà còn đặt mục tiêu xây dựng TPHCM là thành phố có chất lượng sống và văn hóa phát triển.

Tuy vậy đầu tư cho các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, nghệ thuật còn chậm, thiếu đồng bộ. Thiết chế văn hóa dành cho nghệ thuật chuyên nghiệp, nhất là nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật dân tộc chưa được quan tâm đúng mức, làm hạn chế năng lực và hiệu quả hoạt động của các đơn vị nghệ thuật, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và chưa tương xứng với một đô thị lớn. Một số công trình thực hiện quá chậm như Nhà hát Giao hưởng - nhạc - vũ kịch đến nay vẫn chưa được xây dựng. Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ chưa được triển khai. “Sau 44 năm giải phóng, chưa xây dựng được công trình mang tính biểu trưng cho văn hóa thành phố, công trình đạt chuẩn về biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao hoặc đáp ứng việc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tầm cỡ quốc tế”- báo cáo Thành ủy nêu.

Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đặt câu hỏi: “Từ năm 1975 tới nay, TPHCM đã xây dựng được nhà hát Hòa Bình, nhà hát Mạc Đĩnh Chi, nhưng đã biến bao nhiêu nhà hát thành trung tâm thương mại, nhà hàng, quán cà phê, nơi tổ chức đám cưới? Tính ra cái xây ít hơn cái đã bỏ đi”. Và ông chia sẻ, từ khi ông chuyển sang làm công tác tuyên giáo, đã nhiều lần đến các bảo tàng, các thư viện, với tư cách một người dân để thị sát thì thấy: “Thư viện và bảo tàng không khác mấy so với thời tôi còn là sinh viên, thậm chí một số nơi sách vở, tài liệu thua kém trước đây”.

Theo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW tại TPHCM, ngoài Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được xây mới, hiện đại, hầu hết các bảo tàng còn lại tận dụng từ những công trình kiến trúc khác trước giải phóng (công sở, biệt thự) không tương thích với yêu cầu, tiêu chuẩn của bảo tàng.

Văn hóa nghệ thuật thiếu sức hút

Kết quả khảo sát của Ban Tuyên giáo -Thành ủy TPHCM cho thấy, chỉ có 9,24% người được hỏi cho biết họ thường xuyên đi tham quan các bảo tàng; di tích lịch sử của thành phố, trong khi đó có tới 9,68% chưa bao giờ đi tham quan các di tích và bảo tàng. Đối với việc xem kịch, phim ca nhạc tại các sân khấu kịch, rạp chiếu phim, rạp xiếc, nhà hát, chỉ có 7,82% người được hỏi thường xuyên đi xem; 35,44% hiếm khi đi xem và 14,03% chưa bao giờ tới các địa điểm này. Số người đọc sách thường xuyên tại các thư viện, đường sách chỉ có 9,33%... Xu hướng xem thời sự, phim ảnh, giải trí trên truyền hình chiếm chủ yếu, với 55,24% số người được khảo sát, xem thời sự, giải trí trên internet thường xuyên là 42,90%.

Nhà hát hư hỏng, suốt 2 năm qua Nhà hát nghệ thuật hát bội  TPHCM đi lưu diễn trên các đường phố. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Trả lời câu hỏi khảo sát: “Khi nói tới TPHCM, ông (bà) nghĩ ngay đến đặc trưng nào là tiêu biểu của thành phố”, 48,12% người được hỏi trả lời là “Kẹt xe, ngập nước”.  Có 29,16% người trả lời là “tệ nạn xã hội phức tạp như trộm cắp cướp giật, nghiện hút”.  Chỉ có 11% cho rằng TPHCM là nơi quy tụ nhiều nhân tài.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho rằng, với hơn 9.000 tỷ đồng đầu tư cho văn hóa trong 5 năm qua, TPHCM là địa phương đầu tư vào văn hóa lớn nhất cả nước. Thành phố đã đạt những kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, cả nước vẫn đặt kỳ vọng TPHCM sẽ xây dựng thành phố trở thành một trung tâm kinh tế và văn hóa sánh ngang với các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, xuất bản.  

Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Võ Văn Thưởng đánh giá cao những kết quả mà thành phố đạt được trong thời gian qua. Tuy vậy, ông Thưởng cũng nêu rõ, so với vị trí quan trọng và tiềm lực của TPHCM, cũng như so với kỳ vọng của cả nước thì TPHCM vẫn còn phải nỗ lực hơn nữa, để sớm đưa thành phố trở thành một trung tâm kinh tế và văn hóa lớn trong khu vực, thế giới.

Theo một thống kê năm 2017, thời gian khách du lịch lưu trú tại Nha Trang dài hơn gấp 4 lần so với thời gian khách lưu trú tại TPHCM. Thành phố đang đứng trước nguy cơ dần trở thành một điểm “quá cảnh” để du khách đến các tỉnh thành khác. Theo các chuyên gia, để tăng thời gian du khách lưu trú tại TPHCM, vấn đề an ninh trật tự và sức hút văn hóa đáng được quan tâm nhất.