Hoàn lương - những rào cản cuối cùng

TP - Sau gần hai năm, giờ đây ngôi nhà cấp 4 sắp hoàn thiện của anh Nguyễn Cao Cường (SN 1983) trở nên ấm cúng khi anh mãn hạn tù trở về.

> Xe bánh mì cho người hoàn lương
> Tìm về với hạnh phúc 'bình thường'

Lương công nhân của vợ anh cộng thêm tiền làm hàn xì mỗi tháng hơn chục triệu của anh khiến cuộc sống gia đình anh ổn định hơn.

Anh Cường vốn là thợ cơ khí lành nghề chuyên gò thuyền đánh cá sông, hàn xì bắn mái tôn. Đã hơn chục năm làm nghề, anh từng mở được một xưởng sản xuất phía ngoài đường cái của xã Tam Hợp (Phúc Xuyên, Vĩnh Phúc). Nhưng vì một lần thiếu kiềm chế, xô xát anh phải đi trại; xưởng cơ khí đóng cửa.

Chuyện… ngày xưa!

Anh Cường chia sẻ: “Việc xảy ra từ năm 2010… Mình mới về gần hai tháng nay”, anh ngập ngừng như chưa biết bắt đầu câu chuyện từ đâu. Ngồi bên cạnh, Bí thư xã Đoàn Nguyễn Phương cũng là bạn anh mở lời: “Nguyên nhân liên quan mâu thuẫn tranh chấp đất đai. Một bên là đằng gia đình mình, ông chú tên Cuốc; một bên là anh trai ruột của Cường. Thời gian trước chỉ có lời qua tiếng lại. Nhưng đến một hôm thì hai gia đình xảy ra xô xát, Cường bênh nhà anh trai, dẫn đến kẻ thì bị thương, người phải đi trại cải tạo”.

Như qua được khúc ngại ngần, anh Cường nói: “Hôm đó, buổi trưa đi làm về thì mình ăn cơm và có uống rượu. Đang nằm trong nhà thì hàng xóm gọi mình ra can vụ xô xát giữa nhà anh trai mình với nhà ông Cuốc. Thấy va chạm, sẵn có cái liềm ở thùng mạ, mình đã nhảy vào luôn. Có tí rượu nên thiếu kiềm chế”.

Sau xô xát, anh Cường lên bệnh viện huyện, rồi vào TP Hồ Chí Minh để nối lại ngón tay bị chém đứt. “Khi nghe nhà điện thoại gọi về, chính quyền địa phương triệu tập, mình lo lắm. Nhưng cũng không nghĩ phải đi tù, nhà quê chúng mình mấy khi nghĩ đến chuyện phải ra pháp luật”. “Do phạm tội lần đầu, mình cải tạo tại trại Đầm Vạc của tỉnh với thời gian 24 tháng”, anh Cường cho hay.

Một chút thiếu kiềm chế dẫn đến tình láng giềng sứt mẻ, bản thân phải vào trại, anh Cường nuối tiếc, hối hận. Càng nghĩ, anh càng thương vợ một nách hai con nhỏ (lúc ấy đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi) phải cáng đáng mọi việc trong gia đình.

Anh mặc cảm khi nghĩ đến anh em chòm xóm… Ngày vợ con lên trại thăm anh, những giọt nước mắt lại lăn dài trên gò má người đàn ông dạn dày sương nắng. Anh kể: “Bà xã động viên cải tạo tốt. Ở nhà, mỗi khi hai đứa nhỏ nhắc bố, mọi người đều nói anh đi công tác xa”.

Anh Cường cũng cho hay, thời gian vào trại được cán bộ quản giáo tạo điều kiện làm nghề cơ khí. “Lúc mới vào, các bạn cũng động viên nhiều. Mất khoảng tháng đầu quen môi trường thì các bác cho mình làm quản đội, đưa anh em đi sửa chữa máy móc trong trại”.

Mặc cảm thì không sống được

Cải tạo tốt, anh Cường được về trước thời hạn 3 tháng. Tuy mới trở về chưa đầy hai tháng, nhưng xưởng cơ khí mở tại nhà của anh đã lại đông khách.

Hôm đến nhà anh ở thôn Hữu Bằng (xã Tam Hợp), chúng tôi có phần may mắn khi chỉ mất thêm vài bước chân là đến nơi anh đang hàn khung bắn mái tôn cho khách, một nhà cùng thôn. Còn mấy ngày trước, “thầy trò” anh Cường đều đi làm ở công trình xa.

 “Quan hệ hàng xóm láng giềng vẫn nguyên vẹn. Nhà xảy ra xích mích, xô xát cách nhà mình có tí, mọi người gặp nhau liên tục. Qua lúc nóng giận thì thôi, hàng xóm láng giềng cả!”.  

Anh Nguyễn Cao Cường

Anh Cường cho hay, thời gian đầu mới từ trại về để có tiền đầu tư lại máy móc, vợ anh đã đứng ra vay vốn. Đến nay sang tháng thứ hai nhẩm tính, xưởng thu nhập cũng trên dưới 15 triệu/tháng. Việc nhiều, anh còn thuê thêm một thợ và trả 6 triệu đồng/tháng, có cơm trưa. Hiện giờ, xưởng anh làm không hết việc. Vẫn quý mến, tin tưởng anh thợ cơ khí lành nghề, mọi người tìm đến đặt hàng, thuê làm công trình. Dự định của anh sắp tới mở rộng xưởng sản xuất, quy mô công trình.

“Giờ mình làm công trình gia đình. Sắp tới thì xin giấy phép kinh doanh để có thể nhận những công trình quy mô lớn hơn như của các công ty xí nghiệp”.

Nhớ lại ngày đầu mới từ trại trở về, anh bảo: “Mới đầu về mình đi làm cũng mặc cảm lắm. Nhưng mặc cảm mãi thì không sống được, lấy gia đình và công việc động viên bản thân”.

Có công trình thì anh đi lắp đặt, không thì ở nhà túc tắc làm hàng lặt vặt, xây cất xưởng sản xuất. Anh bộc bạch: “Giờ cố gắng làm việc để bù đắp cho vợ con”.

Không mặc cảm nữa, anh Cường giờ chỉ có chí thú làm ăn. Trên bàn tay thô ráp của anh thợ cơ khí vẫn còn vết tích của chuyện buồn. “Ngón tay thành tật giờ không cử động được ấy trở thành dấu ấn không thể quên. Nó nhắc cho mình nhớ cần cư xử mọi chuyện một cách chín chắn. Đồng thời, nhắc mình hạn chế bia rượu để vừa không nóng tính vừa đảm bảo an toàn khi làm việc”.

Giờ đây, anh thợ cơ khí Nguyễn Cao Cường lại chăm chỉ làm ăn và hàn nối những dự định kinh tế, lẫn tình cảm từng đứt quãng, để cuộc sống gia đình đủ đầy, hạnh phúc. Ánh lửa hàn xì lại được cháy sáng; những đơn đặt hàng lợp mái, gò thuyền trong ngoài xã lại tìm đến “thầy trò” anh Cường.

Giờ trở về với cuộc sống bình thường, anh Cường bảo không muốn nhắc lại chuyện xô xát, hay đi cải tạo nữa, nhất lại chia sẻ lên báo. Nhưng được anh Phương động viên: tội thì mình đã chịu rồi, sai cũng đã sửa, Cường cứ gặp anh em. Mình chia sẻ để còn tác động, giúp những người khác tránh rơi vào hoàn cảnh như mình… Anh Cường đồng ý gặp chúng tôi.

Mãn hạn tù, trở về để hòa nhập với cuộc sống đời thường, những người một thời lầm lỡ lại đối mặt những rào cản khác đó là mặc cảm của chính mình và ánh mắt của cộng đồng. Trên con đường trở về với cái thiện, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì những người một thời lầm lạc vẫn cần sự trợ giúp từ nhiều phía. Đón thêm một người về với cái thiện, cái đẹp - xã hội bớt đi những mối lo.

Theo Báo giấy