Hồ sơ “S” - Nỗi ám ảnh khủng bố của nước Pháp

Nước Pháp đang bị ám ảnh bởi hồ sơ “S” – một trong 21 hồ sơ trong hệ thống theo dõi các nhân vật bị tình nghi.
Cảnh sát được triển khai trước cổng trường quân sự Pháp - nơi cơ quan giám định pháp y quân đội cung cấp thông tin nhận diện và hỗ trợ thân nhân các nạn nhân và người mất tích trong đêm khủng bố kinh hoàng.

Pháp đang ráo riết xác định danh tính những kẻ khủng bố, trong đó có những tên đã bị theo dõi trong hồ sơ “S” - là viết tắt của cụm từ “An ninh quốc gia” - của nước Pháp nhưng sau đó lại bị lơ là. Câu hỏi đặt ra là liệu có phải do vấn đề cắt giảm ngân sách cho an ninh hay các biện pháp an ninh hiện thời không hiệu quả ?

Người Pháp đã vài lần “cười ra nước mắt” do những sự vụ liên quan đến hồ sơ “S”. Còn nhớ hồi tháng 6, người Pháp giật mình khi cơ quan an ninh “vô tình” phát hiện ra một âm mưu đánh bom nhà thờ ở Villejuif, sau khi tên tội phạm gọi cấp cứu y tế và người ta phát hiện ra nhiều vũ khí, đạn dược tại nhà tên này. Tiếp đó những kẻ khủng bố như anh em nhà Kouachi, Amédy Coulibaly hay tác giả của vụ xả súng hụt trên tàu cao tốc Thalys hồi tháng 8… đều từng nằm trong hồ sơ theo dõi của các cơ quan tình báo Pháp.

Giờ đây, một trong những kẻ khủng bố tại nhà hát Bataclan được xác định là tên Omar Ismaïl Mostefaï, sinh năm 1985, từng được theo dõi trong hồ sơ S của các cơ quan an ninh Pháp từ năm 2010 mà vẫn có thể gây tội ác.

Hồ sơ “S” là một trong 21 hồ sơ trong hệ thống theo dõi các nhân vật bị tình nghi, hệ thống này được thiết lập từ năm 1969 tại Pháp. Hiện hệ thống này theo dõi khoảng 400.000 người, dưới những hồ sơ nhỏ bắt đầu bằng các chữ cái như S (Có nghĩa là An ninh quốc gia); M (nghĩa là tội phạm nhỏ tuổi) hay T (những nhân vật bị nghi có nợ nần tài chính…).

Hồ sơ “S” xếp các nhân vật bị theo dõi theo 16 cấp độ nguy hiểm, từ S1 đến S16, trong đó có khoảng 10.000 cái tên là những nhân vật cực tả hay cực hữu, tình nghi khủng bố hay thậm chí một số tên hooligan. Ví dụ tên Mohammed Merah từng gây vụ khủng bố ở Toulouse năm 2012 được xếp trong danh sách S5.

Tình hình này khiến dư luận Pháp phải đặt câu hỏi về tính hiệu quả trong quản lý các thông tin tình báo liên quan đến những kẻ bị tình nghi. Với nhiều người, việc để lọt kẻ hở an ninh với một tên sinh ra và lớn lên tại Pháp, từng nằm trong danh sách theo dõi của các cơ quan tình báo như Omar Ismaïl Mostefaï là điều không chấp nhận được.

Trong các diễn biến có liên quan khác, nước Pháp đang ráo riết xác định những kẻ khủng bố, bắt giữ người thân của những kẻ tình nghi cũng như tiến hành khám xét nơi ở của những tên này tại Pháp và Molenbeek – Bỉ. Công tác nhận diện các nạn nhân vẫn được tiến hành khẩn trương tuy nhiên gặp nhiều khó khăn do thi thể nhiều nạn nhân đã bị nát vụn do ảnh hưởng của bom đạn. Gia đình và người thân của những người bị mất tích hôm nay tiếp tục chờ đợi ở trường quân sự Pháp để được cung cấp các thông tin nhận diện người thân.

Theo Theo VOV