Hộ kinh doanh 'gồng mình' trước bão tăng giá

TPO - Vừa mở cửa kinh doanh trở lại, nhiều hộ kinh doanh tại TPHCM đã nơm nớp nỗi lo trước nguy cơ vỡ nợ, đóng cửa do “đụng đâu cũng thấy tăng giá”.
Nhiều quán ăn lo lắng vì giá cả thực phẩm, mặt bằng đều tăng giá sau dịch

Mặc dù TPHCM đã cho phép hàng quán được kinh doanh ăn uống tại chỗ từ ngày 29/10, thế nhưng ông Nguyễn Hoàng - chủ hệ thống buffet “123K Nướng ngon” chỉ mới khai trương trở lại 1 trong 4 chi nhánh được ba hôm nay.

“Vừa mở lại, khách chưa bao nhiêu nhưng hàng loạt mối cung cấp nguyên liệu, thực phẩm đã báo giá tăng. Trong đó, cao nhất là rau củ quả, dầu ăn… đều tăng giá 100%. Nguyên liệu bột cũng tăng giá hơn 50%, đơn một bịch bột 400gr, tôi mua sỉ chỉ 13.000 đồng/gói, nay đã tăng 18.000-19.000 đồng/gói. Thủy hải sản cũng báo giá nhích từng ngày…” – ông Hoàng lo lắng nói.

Ông Nguyễn Hoàng cố "gồng mình" giữa giá cũ vì lo tăng giá, khách sẽ không đến

Ông Hoàng cho biết, quán đang “gồng” để giữ giá từng ngày, bởi đối tượng khách phục vụ đều ở tầng lớp bình dân, nếu bây giờ tăng giá sẽ không còn bao nhiêu người quay lại.

“Ngày 12/11 tới đây, tôi sẽ mở thêm chi nhánh ở quận Bình Tân; những địa điểm còn lại sẽ mở trong thời gian tới. Bởi bây giờ không mở cửa kinh doanh, chủ nhà vẫn tính tiền mặt bằng chứ không còn miễn giảm như thời điểm giãn cách” – chủ quán buffet nói.

Để có nguồn thực phẩm giá rẻ, bà Lê Thị Tâm - chủ quán ăn miền Tây Nhị Tâm (quận Tân) đã đến tận nhà vườn ở Hóc Môn, Củ Chi… để mua rau củ, thịt cá. “Tôi thỏa thuận với nhà vườn về giá cả, cứ tới ngày họ đóng thùng giao lên cho mình. Bớt được khâu trung gian, giá cả cũng nhẹ hơn đôi chút” – chủ quán cho biết.

Quán nhậu gặp khó vì quy định không được bán rượu bia

Theo bà Tâm, giá cả đang có xu hướng tăng. Đặc biệt, giá gas tăng 40-50% nên quán ăn gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối chi phí sau khi được mở bán trở lại, bởi tần suất sử dụng bếp nhiều. Trong khi đó, khách đến quán chỉ mới đạt khoảng 30% so với bình thường, thu không đủ bù chi, bà Tâm lo lắng không thể cầm cự được lâu.

Trên nhiều tuyến đường ở thành phố như Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng (quận 1), phố ẩm thực trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), thiên đường ẩm thực ở khu Phan Xích Long (quận Phú Nhuận)… đều trở nên vắng lặng, loạt hàng quán treo biển trả mặt bằng… Nhiều hộ kinh doanh đều ngậm ngùi giã từ giấc mơ “khởi nghiệp” do không thể cầm cự nổi với giá thuê.

Hàng loạt mặt bằng treo biển trả nhà hoặc cho thuê tại TPHCM (ảnh: Hồng Phúc)

Chị Minh Hoa – chủ tiệm trà sữa Kitty (quận 7) mới kinh doanh từ giữa năm 2019. Chưa được bao lâu thì trúng vào đợt dịch bệnh. Vẫn không nản chí qua từng mùa dịch hết đóng rồi mở cửa tiệm, mới đây, Hoa buồn hiu khi ngày mở quán trở lại cũng là lúc thanh lý hợp đồng để trả mặt bằng.

“Chỉ mới khai trương bán tại chỗ được hai ngày, chủ nhà đã thông báo sẽ tăng giá khoảng 20%. Tiệm trà có giá 12 triệu đồng/tháng, vừa sau dịch đã vọt lên gần 15 triệu đồng/tháng. Chủ nhà lý giải do lúc dịch đã giảm giá 50%, nên họ vô cùng khó khăn vì còn trả lãi ngân hàng, do vậy phải tăng giá sau dịch. Quán mở bán lại, khách chưa nhiều nên tôi không thể cầm cự, đành thanh lý luôn quán để trả mặt bằng cho chủ” - nữ startup buồn hiu nói.