Được biết anh ấp ủ về một bảo tàng Hồ Gươm từ lâu, cụ thể ra sao?
Hồ Gươm là chứng tích lịch sử hàng mấy trăm năm, ngày xưa là một phần của sông Hồng, dần dần trong quá trình phát triển đô thị nó thành ra như bây giờ. Hồ Gươm là chứng nhân lịch sử từ thời phong kiến dựng nước, các anh hùng thời xưa tới thời kỳ xã hội chủ nghĩa. Khi người Pháp vào quy hoạch các khu phố Pháp theo ô bàn cờ, rồi sau ngày chúng ta đặt UBND thành phố ở đó coi như chọn Hồ Gươm là trung tâm. Không gian Hồ Gươm chứa đựng nhiều truyền thuyết, sự tích về trả gươm báu, tả thanh thiên, các kiến trúc Đông-Tây như phố cổ phố Pháp, đình đền chùa miếu mạo, nhà thờ. Không chỉ có sự đa dạng về kiến trúc, Hồ Gươm có sự đa dạng về sinh học, chẳng hạn các loại cây xung quanh. Sau này UNESCO trao tặng Hà Nội danh hiệu Thành phố vì Hoà Bình, một trong những biểu tượng hay nhất là trả lại gươm báu-giã từ chiến tranh. Hồ Gươm quá xứng đáng có bảo tàng.
Nhắc Hồ Gươm nhiều chuyên gia đều khẳng định không gian quá chật hẹp, chỉ nên bớt không nên thêm, vậy bảo tàng này liệu có hợp lý không?
Đúng là không gian xung quanh quá chật, hết đất thì bảo tàng về nguyên tắc phải nhỏ, nằm tại Hồ Gươm và gắn với biểu tượng tiêu biểu nhất của Hồ Gươm. Bên kia hồ có tượng vua Lý lập ra Thăng Long, bên này có tượng vua Lê trả lại gươm báu dường như giới trẻ chẳng ai biết đến. Toà nhà thành phố đang cho một ngân hàng thuê nằm cạnh đó nay có thể lấy lại làm công trình cộng đồng phúc lợi xã hội. Công trình đó có thể trở thành bảo tàng Hồ Gươm, kết hợp với tượng vua Lê có sẵn, bỏ hàng rào ở giữa đi, thiết kế lại cảnh quan và mở ra Hồ Gươm.
KTS Hoàng Thúc Hào
Hồ Gươm gắn với sự tích Rùa Vàng, đa dạng kiến trúc và sinh học, du khách có thể đeo tai nghe để nghe những bài hát về Hồ Gươm trong bảo tàng. Nó đơn giản nhưng ấn tượng, không mất công xây dựng, không tốn chi phí lắm. Bảo tàng nêu bật sự yêu chuộng tự do hoà bình của Việt Nam. Thành phố vì Hoà Bình cần biểu tượng, Hồ Gươm chính là trái tim.
Câu chuyện mở bảo tàng Hồ Gươm rất hay, nhưng nhiều bảo tàng ở Việt Nam hoạt động chưa hiệu quả, thêm một bảo tàng này nữa liệu có đáng lo không?
Phối cảnh bảo tàng Hồ Gươm. Ảnh: TOAN TOAN.
Tôi nghĩ tất cả do năng lực con người cả thôi. Nằm ở chỗ khỉ ho cò gáy, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng khi PGS.TS Nguyễn Văn Huy làm giám đốc, Bảo tàng Dân tộc học trở nên đông khách. Bảo tàng Hồ Gươm lại có nhiều lợi thế, nhiều thứ hay. Riêng các bài hát về nó đã tuyệt vời rồi. Bây giờ tất nhiên làm bảo tàng phải dùng công nghệ mới, hình ảnh 3D dựng lại sự tích Rùa Vàng nhận gươm. Biểu tượng rùa vàng tuy gắn với đền Ngọc Sơn nhưng đó chỉ là đền thờ, bày cứng nhưng không có trình diễn hình ảnh. Bảo tàng Hồ Gươm là nơi người ta có thể thưởng thức bằng nhiều giác quan nhờ công nghệ mới, không còn chỉ bày hiện vật chết nữa rồi.
Cùng với mở bảo tàng, anh cũng có ý tưởng về hệ sinh thái văn hoá của Hà Nội. Người ta có thể mường tượng về hệ sinh thái đó ra như thế nào?
Tượng đài vua Lê bị lãng quên. Ảnh: TOAN TOAN.
Thủ đô là tinh hoa hội tụ về tri thức và văn hóa. Phải có những con người tinh hoa, bậc trí thức, nhà văn hóa, khoa học kỹ thuật hội tụ về. Lâu nay ở ta các nguồn lực vốn liếng nhà nước không có, nhưng nếu hội tụ được con người thì đó là nguồn lực rất lớn. Bác Hồ ngày xưa từng kêu gọi hàng trăm trí thức về, kéo theo nhiều nguồn lực, Hà Nội bây giờ cũng phải làm sao hội tụ nhân tài người Việt ở khắp nơi. Muốn như thế một trong những việc nên làm là tôn vinh người ta. Lâu nay ta không có truyền thống tôn vinh người làm khoa học kỹ thuật, đơn giản như tổ các làng nghề chưa được tôn vinh xứng đáng.
Hà Nội có sẵn một số nơi như bảo tàng Nguyễn Tuân, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Huyên, tương lai có thể làm những bảo tàng nhỏ tôn vinh những người như Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Tôn Thất Tùng. Những người làm khoa học kỹ thuật còn sống cũng có thể làm những góc nhỏ. Ở các làng nghề đúc đồng, làm gốm, làng hoa, dệt lụa… nên có bảo tàng nhỏ tôn vinh tổ nghề, những người có công sáng tạo. Các bảo tàng này nên làm quy mô nhỏ, xã hội hoá. Các mô hình này đông lên sẽ thành chuỗi sinh thái liên hoàn trong toàn thành phố. Quan trọng là chính sách và tầm nhìn.
Có nhiều dự án xoay quanh Hồ Gươm nhưng gần như bây giờ chưa có gì trở thành hiện thực?
Hiện thực nhất người ta đang đi bộ xung quanh. Bảo tàng Hồ Gươm dễ làm, chỉ cần quyết định hành chính không cho thuê ngân hàng nữa. Lại nói phố đi bộ, hiện nay cũng đang trở nên quá tải, ngột ngạt nên cần mở rộng ra kết nối với phố cổ hơn nữa, không gian Nhà hát Lớn và khu đê sông Hồng thực tế chưa khai thác được.
Cảm ơn anh!
Không chỉ có sự đa dạng về kiến trúc, Hồ Gươm có sự đa dạng về sinh học, chẳng hạn các loại cây xung quanh. Sau này UNESCO trao tặng Hà Nội danh hiệu Thành phố vì Hoà Bình, một trong những biểu tượng hay nhất là trả lại gươm báu-giã từ chiến tranh. Hồ Gươm quá xứng đáng có bảo tàng.
Trung tâm nghệ thuật đương đại Cầu Long Biên
KTS Hoàng Thúc Hào với tình yêu với Hà Nội từng có đề xuất cải tạo không gian Hồ Gươm thành chuỗi không gian mở cộng đồng liên hoàn-kết nối các không gian từ Quảng trường Ðông Kinh Nghĩa Thục nối với quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ, vắt sang tượng đài vua Lê. Anh cũng là người nghĩ tới việc đưa cầu Long Biên thành trung tâm nghệ thuật đương đại. Hoàng Thúc Hào muốn cây cầu trở thành bảo tàng danh nhân sáng tạo: Khu vực bãi giữa thành nơi start-up về khoa học, nghệ thuật kêu gọi người tài năng khắp nơi trên thế giới về cống hiến. Cầu Long Biên sẽ trở thành nơi đi bộ, một số hiện vật về các danh nhân được bày một cách khéo léo trên đó.