Sau hơn 8 tháng khởi công, hình hài đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi đã dần thành hình. Trên công trường gói thầu XL3 (đoạn qua TP Thủ Đức), nhà thầu đang hoàn tất bước cào xới lớp hữu cơ, xử lý nền đất, thi công cọc khoan nhồi, bệ trụ cầu.
Gói thầu XL3 có chiều dài 3km với các hạng mục chính là xây dựng cầu, đường song hành và hệ thống cống thoát nước.
Vành đai 3 TPHCM khởi công vào ngày 18/6 đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ.
Giai đoạn một dài hơn 76km, quy mô 4 làn cao tốc cùng đường song hành dự kiến hoàn thành năm 2026.
Hàng loạt dự án bất động sản "khủng" dọc tuyến đường Vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, hàng chục công nhân, kỹ sư làm việc tại công trình thi công gói thầu XL6 đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Củ Chi (TPHCM).
Gói thầu XL6 đoạn qua huyện Củ Chi dài khoảng 6,7km, bao gồm hạng mục đường cao tốc, cầu vượt sông rạch, cầu vượt đường ngang, hầm chui qua Tỉnh lộ 15.
Hầm chui qua Tỉnh lộ 15 là một trong những hạng mục quan trọng nhất của gói thầu XL6 đường Vành đai 3 TPHCM.
Trên công trường, hàng chục công nhân đội nắng để gia công thép.
Các hạng mục khoan nhồi đang được các nhà thầu tập trung thi công.
Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ kết nối 5 tuyến cao tốc tạo liên kết cho cả vùng, gồm: TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Mộc Bài và TPHCM - Chơn Thành.
Đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Hóc Môn (gói thầu XL8) dài hơn 7km với các hạng mục cầu cạn vượt đường Nguyễn Văn Bứa, cầu vượt kênh và phần đường cao tốc.
Gói thầu xây lắp 8 đoạn qua huyện Hóc Môn thi công các hạng mục gồm một cầu cạn vượt đường Nguyễn Văn Bứa, hai cầu vượt qua kênh và phần đường cao tốc dài hơn 7km, với tổng giá trị gói thầu 1.417 tỉ đồng. Ghi nhận tại gói thầu xây lắp 8 xây dựng cầu tỉnh lộ 9 (trên đường Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn) có nhiều máy móc, công nhân đang thi công phần móng trụ, cọc khoan nhồi.
Các trụ, cọc của cầu cạn vượt đường Nguyễn Văn Bứa đã được dựng lên. Theo dự kiến, toàn tuyến Vành đai 3 sẽ hoàn thành vào năm 2025 và bắt đầu đưa vào khai thác từ năm 2026.
Tuyến đường Nguyễn Văn Bứa thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, đây là con đường giao thương giữa TPHCM và các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương. Ảnh chụp vào trưa 27/2.
Sau khi hoàn thành, toàn tuyến Vành đai 3 TPHCM sẽ mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại cũng như chi phí logistics. Công trình cũng được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Vùng trọng điểm phía Nam.
Sơ đồ đường vành đai 3 TPHCM (Đồ họa: Ngà Trịnh).