Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Chelsea, Cử nhân Thiết kế Trang phục Sân khấu và Thiết kế sân khấu Motley (Anh), ngoài công việc chuyên môn, nữ nghệ sỹ Moi Trần dành nhiều tâm huyết cho hoạt động nghệ thuật của cộng đồng người Đông Á tại London. Đồng sáng lập East Asian Ticket Club (Câu lạc bộ vé Đông Á), Moi Trần mong muốn khuyến khích người Đông Á mạnh dạn tiếp xúc và tương tác với nghệ thuật, ủng hộ để phụ nữ Đông Á tự tin với vị trí đạo diễn, lãnh đạo Nhà hát.
Sức mạnh khó hiểu của Bolero
Cùng gia đình vượt biên sang Hong Kong, rồi vào Anh từ lúc bé, Moi lớn lên cùng những bài hát Bolero mà ông nội và bố mẹ nghe mỗi ngày. Đến chơi các gia đình người Việt ở nước ngoài, về Việt Nam thăm họ hàng cũng thấy “Bolero luôn là dòng nhạc được mến mộ”.
Năm 2019, nhân dịp lỷ niệm 25 năm British Council (Hội đồng Anh) tại Việt Nam, chương trình FamLab đã khuyến khích các nghệ sĩ nghiên cứu, lưu trữ nghệ thuật thị giác hoặc tác phẩm biểu diễn để bảo tồn âm nhạc, phim ảnh và các bộ môn biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Ý tưởng về “Hiệu ứng Bolero với Việt Kiều và người Việt trong nước” của Moi Trần đã được Hội Đồng Anh ủng hộ.
Nữ nghệ sĩ dành hai tháng về quê hương để thực hiện nghiên cứu và làm tác phẩm. Chị dự định tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên sẽ tìm gặp những người có người thân sống ở nước ngoài để hỏi chuyện, lấy chất liệu viết lời bài hát. Moi khá lo lắng khi một số người họ hàng ở Quảng Ninh quê gốc của chị, có vẻ e ngại bị phỏng vấn chuyện “người nhà đi Tây.
Khó hơn có lẽ là công cuộc tìm kiếm 50 người thích hát đủ các lứa tuổi từ 10-70 tuổi. Bài hát sẽ có cả lời Anh và lời Việt, trên nền âm nhạc phát triển từ chất liệu truyền thống và Bolero. Trong phần trình diễn có cả lời thoại và múa chuyển động. Dự kiến tác phẩm “Bolero Efect” sẽ ra mắt người xem vào đầu tháng 12 tới.
Kéo người thường đến Nhà hát
Những năm đầu hoạt động nghệ thuật đương đại Moi Trần thường kết hợp cùng bạn bè trong giới, “sau này tôi thấy nghệ sĩ cứ quanh quẩn thưởng thức nhau mãi cũng chán”. Sáng lập East Asian Ticket Club, Moi kết nối với mạng lưới nhiều Nhà hát và không gian văn hóa cộng đồng để mượn địa điểm cho hoạt động của Câu lạc bộ. “Đa phần người Đông Á nhập cư, đặc biệt phụ nữ ở Anh vốn nhút nhát, coi “sân khấu là thứ xa xỉ” chính vì thế tôi muốn họ làm quen, tương tác cùng nghệ thuật”, Moi Trần chia sẻ.
Người tham dự workshop, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật trình diễn (performance art), sắp đặt (installation art)... được miễn phí vé. Phần cuối hay nhất của những buổi thực hành nghệ thuật trong Nhà cộng đồng chính là bữa ăn chung. “Nhiều khoảng cách được xóa nhòa khi mọi người cùng nấu nướng và cùng ăn”.
Tháng 6 vừa qua, tiếp nối chuỗi tác phẩm “Circuit” (Vòng Xoay) từng có mặt tại nhiều nước, Moi Trần đã cùng nhóm nghệ sĩ trong nước và quốc tế thực hiện tác phẩm “Ba người phụ nữ và một con vịt” tại Huế, Viêng Chăn và Bangkok. Ba phụ nữ cộng con vịt thành cái chợ, ẩn dụ này khiến Moi thích thú và nội dung tác phẩm của chị chính là cuộc lang thang buôn chuyện tại những cái chợ tiêu biểu của ba thành phố nói trên.
Tại chợ, Moi hỏi chuyện những người bán hàng, chụp ảnh, quay phim một số công việc thú vị của chị em tiểu thương. “Chợ Đông Nam Á là địa điểm quyến rũ. Tôi ấn tượng nhất với một chị chủ tiệm tóc có thêm nghề sản xuất tóc giả trong chợ ở Huế. Câu chuyện học nghề gia truyền, kinh nghiệm chọn và làm mái tóc giả của chị chủ đã được vào video art của dự án”.
Là nghệ sĩ từng tham gia nhiều sự kiện nghệ thuật quốc tế, Moi Tran bị thu hút đặc biệt bởi cuộc sống và công việc của những người bình thường. “Đưa họ đến với nghệ thuật, kể về họ” sẽ là đề tài bất tận để tác giả Vòng Xoay theo đuổi lâu dài.
“Tôi từng bị bố mẹ chê lông bông, không hiểu làm nghề gì, rồi dần dần gia đình cũng hơi hiểu ra tôi đang làm gì. Lần này tôi sẽ tìm cách giải thích để họ hàng (người được phỏng vấn) không cảnh giác nghi ngờ về dự án Bolero của tôi”.
Moi Trần