Ông Nguyễn Quốc Bình nói rằng, theo quy định, tất cả người dân tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm đúng cách nhằm bảo vệ mình, gia đình và cả xã hội.
“Đầu năm học, nhà trường yêu cầu cha mẹ học sinh ký cam kết về việc thực hiện an toàn giao thông. Tuy nhiên, vẫn có một số cha mẹ học sinh vẫn còn nuông chiều, giao phương tiện cho con khi chưa đủ điều kiện để sử dụng, thậm chí có những cha mẹ đưa con đến trường không đội mũ bảo hiểm. Chúng tôi cũng đã trao đổi và hiện tượng đó đã giảm dần. Nếu chúng ta kiên trì, làm tốt, từ mỗi nhà trường sẽ nhân lên toàn xã hội, chắc chắn sẽ thành công”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, tình trạng học sinh vi phạm giao thông thời gian qua rất nhức nhối, trở thành vấn đề mang tính xã hội. Chúng ta đã nhiều lần đưa ra biện pháp xử lí học sinh vi phạm an toàn giao thông, đặc biệt là việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia xe máy điện, xe đạp điện nhưng việc xử lí cũng chưa đến nơi đến chốn, chưa quyết liệt. Có những đợt cao điểm, các nhà trường cũng tham gia vào xử lí học sinh vi phạm, rồi cũng chỉ được một thời gian, không duy trì và xử lí triệt để.
Một trong những tác nhân quan trọng là cha mẹ học sinh, người cung cấp phương tiện cho các em học sinh và buông lỏng giám sát, không biết con có đội mũ bảo hiểm không. Cũng những cha mẹ không làm gương, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Thậm chí có những phụ huynh bao biện cho chính mình và con mình khi vi phạm giao thông.
Đã có những vụ việc vi phạm an toàn giao thông dẫn đến những vụ việc đau lòng đáng tiếc mà nguyên nhân xuất phát từ việc cha mẹ học sinh giao xe máy cho con khi chưa đến tuổi.
“Quản lý học sinh đi xe máy nếu chỉ một mình nhà trường sẽ không làm được mà cần có sự đồng hành của phụ huynh, lực lượng cảnh sát giao thông và cả chính quyền địa phương. Trong đó, vai trò của nhà trường quan trọng trong việc giáo dục, truyền tải thông điệp cần đảm bảo an toàn, chấp hành luật giao thông tới các em học sinh”, ông nói.
Về giải pháp, hiệu trưởng trường này cho rằng, phải có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó duy trì liên tục và có chế tài phù hợp, răn đe đủ mạnh mới có thể giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm gây ra những sự đau thương, đặc biệt là với học sinh.
Chương trình giáo dục an toàn giao thông hiện đã được lồng ghép, tích hợp trong các bộ môn như: Giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp… Ở trường, hằng ngày, có đội thanh niên tình nguyện cùng thầy cô giáo hằng ngày đứng ở cổng nhắc nhở, có biện pháp xử lí với những học sinh vi phạm về việc đội mũ bảo hiểm, sử dụng xe máy không đúng quy định.
Hiệu trưởng một trường THCS – THPT tư thục ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) kể lại câu chuyện, phụ huynh của trường giao xe cho con đi học. Con vi phạm giao thông, thay vì tới giải quyết, phụ huynh cãi, giằng co với cảnh sát giao thông, thậm chí gọi đến yêu cầu nhà trường có biện pháp bảo vệ học sinh.
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa quán triệt các Phòng GD&ĐT, các trường học về việc tăng cường giáo dục, quán triệt học sinh tăng cường giáo dục học sinh chấp hành pháp luật, an toàn giao thông, trong đó chấp hành đội mũ bảo hiểm đúng quy định, không tham gia đua xe trái phép…
Tối 22/12, trong khuôn khổ chương trình nhạc hội LTV Unity Beats, Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh cơ sở Tân Triều đã trao giải thưởng cho các học sinh xuất sắc trong chiến dịch An toàn giao thông học đường. Theo đó, 1 học sinh đoạt giải Nhất, 2 em đoạt giải Nhì, 3 em đoạt giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Phát động từ đầu tháng 12 tới nay, nhà trường kêu gọi học sinh thiết kế mũ bảo hiểm để các em thoả sức sáng tạo và truyền thông điệp về an toàn giao thông.
Những chiếc mũ bảo hiểm được vẽ độc đáo, bắt mắt với những slogan quyết tâm nêu cao ý thức, trách nhiệm học sinh khi tham gia giao thông.