Nguồn gốc của nghi thức tắm Phật
Đại lễ Phật đản là lễ kỷ niệm ngày sinh của Thái tử Tất Đạt Đa, sau là Đức Phật Thích Ca - Giáo chủ của Đạo Phật. Ngài sinh vào ngày trăng tròn tháng Vesak theo lịch của Ấn Độ cổ, tương đương với ngày 8/4 (âm lịch) theo lịch Trung Quốc cổ vào năm 624 trước công nguyên.
Ở Việt Nam, ngày Phật đản trước đây là 8/4, sau này được Giáo hội thống nhất lấy ngày 15/4 âm lịch để làm lễ kỷ niệm. Trong ngày này diễn ra nghi thức tắm Phật, là một trong những hoạt động quan trọng của đại lễ Phật đản.
Lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni. Các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam Tông và Bắc Tông đều ghi lại rằng khi Hoàng hậu Ma-da đản sinh Thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư Thiên, một dòng nước mát, một dòng nước ấm rưới xuống để tắm cho Hoàng hậu cùng Thái tử.
Hai dòng nước nóng và lạnh của lễ tắm Phật tượng trưng cho hai cảnh giới thuận và nghịch, cảnh giới vui, buồn, sướng khổ của cuộc đời mà tất cả mọi người trong chúng ta khi được sinh ra đều sẽ trải qua.
Pháp thân thanh tịnh, Phật tính luôn tiềm ẩn trong mỗi người, thế nhưng vì phiền não, tham, sân, si mà bị che lấp khiến cho Phật tính không được lộ ra. Muốn lộ Phật tính, chúng ta phải mượn nước thơm để tẩy rửa bụi trần.
Nghi thức tắm Phật cũng là một hành động để mỗi người liên tưởng tới việc gột rửa thân tâm của bản thân mình nhằm tìm lại sự thanh tịnh vốn có. Tắm nước thơm cho tượng Thích Ca sơ sinh là một trong những nghi thức quan trọng trong dịp tổ chức đại lễ Phật đản, mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc.
Lễ tắm Phật được phục dựng nhằm tái hiện khung cảnh trang nghiêm, màu nhiệm khi Đức Phật chào đời. Đây là một nghi thức long trọng trong mùa lễ hội Phật đản. Vậy nên nghi lễ tắm Phật được chuẩn bị chu đáo.
Vật dụng cần thiết để chuẩn bị cho nghi thức tắm gồm trái cây, hoa và nhang đèn dùng để dâng lên Phật trước khi thỉnh tượng xuống tắm. Thau lớn tinh sạch chỉ dành cho việc tắm tượng, sau khi làm lễ dâng hương thỉnh tượng Phật đặt vào trong thau.
Ngoài ra phải chuẩn bị khăn sạch, nước thơm dùng để tắm Phật, dùng nước nóng sôi nấu chung với loại hương liệu hoa lài, hoa cúc, hoa bưởi, quế,… sau đó để nguội.
Tắm Phật, nhưng cũng tắm cho chính mình
TS. Bùi Hữu Dược - nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ - cho rằng đại lễ Phật đản là dịp mỗi người con Phật nhận diện lại chính mình. Động tác tắm nước thơm cho tượng Thích Ca sơ sinh là động thái để mỗi người trở về với chính mình.
"Tắm tượng Phật Thích Ca sơ sinh là tắm biểu trưng, gọi là tắm Phật nhưng thật ra là tắm cho chính mình, thể hiện ước nguyện của mình", TS. Bùi Hữu Dược cho biết.
Gáo nước đầu tưới vào vai và tay trái để gột rửa mọi điều sai trái. Gáo nước thứ hai tưới vào vai và tay phải để những điều phải, điều tốt đã tốt càng phải càng tốt hơn. Gáo thứ ba tưới vào đầu để tâm trí thanh tịnh, sáng suốt.
"Vậy là mượn việc tắm Phật là để tự làm sạch mình, làm mới mình. Để sau khi thực hiện nghi lễ tắm Phật cá nhân mỗi người cảm thấy mới, sạch sẽ, tươi sáng, anh minh", TS. Bùi Hữu Dược nêu.
Theo một số kinh, luận và sử truyện, nghi lễ tắm Phật có ở Ấn Độ từ xa xưa và được truyền đến các nước Phật giáo trên thế giới. Theo kinh Công đức tắm Phật: “Khi tắm tượng thì dùng nước nóng thơm, trong sạch rưới từ trên xuống, sau đó tiếp dùng nước tinh khiết để tắm lại. Sau khi tắm tượng xong, dùng khăn mềm, mịn và sạch lau khô tượng, xông các loại hương trầm thơm quanh tượng, rồi đặt tượng về vị trí cũ trong điện Phật”.
Tuy chưa có kinh sách hướng dẫn chi tiết về nghi thức tắm Phật nhưng có bốn cách thường thấy: Lấy gáo múc lượng nước thơm tùy ý để tắm Phật. Lấy gáo múc hai gáo nước thơm nhẹ nhàng tưới lên hai vai của Phật.
Lấy gáo múc ba gáo nước thơm từ từ dội lên tượng Phật (gáo thứ nhất dội lên đỉnh tượng Phật, gáo thứ 2 dội lên vai phải tượng Phật, gáo thứ 3 dội lên vai trái tượng Phật).
Cách thứ tư là lấy gáo múc ba gáo nước thơm từ từ dội lên tượng Phật. Gáo thứ nhất dội lên vai trái tượng Phật, gáo thứ hai dội lên vai phải tượng Phật, gáo thứ ba dội dưới chân Phật.