Hiệp hội Mía đường muốn chống tham nhũng

TP - Hiệp hội Mía đường (VSSA) có “tâm thư” gửi Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, bày tỏ về việc “không ngại va chạm” để “đổi lấy sự minh bạch trong thực thi pháp luật”, chống lợi ích nhóm, tham nhũng.
VSSA cho hay, năm 2014 là năm thứ 4 liên tiếp giá đường thấp, gây khó khăn cho nhà máy đường và nông dân trồng mía. Ảnh minh họa

“Tâm thư” của VSSA được đưa ra, sau những “ồn ào” gần đây về nội tại ngành này, đặc biệt là sau bài viết “chê” ngành đường của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú.

VSSA cho rằng, Hiệp hội chịu va chạm để đổi lấy sự minh bạch trong thực thi pháp luật. “Hiệp hội chỉ yêu cầu Nhà nước, đặc biệt là Bộ Công Thương đừng ban hành chính sách xuất nhập khẩu đường bất cập, không đạo lý, chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm để bóp chết sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp...”- VSSA cho biết.

Theo VSSA, vì sao giá đường trong nước cao hơn giá đường nhập khẩu? Giá đường bán lẻ tại Thái Lan (nước có lượng đường rất lớn nhập lậu vào Việt Nam) khoảng 17.000 - 21.000 đồng/kg, tương đương giá đường bán lẻ ở Việt Nam. Giá đường trắng bán buôn tại các nhà máy đường Việt Nam trên dưới 12.000 đồng/kg (tùy loại), chưa có VAT. Đường thô Thái Lan nhập khẩu về đến cảng Sài Gòn khoảng 9.000 đồng/kg, rẻ hơn đường nội 1.500 - 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, chênh lệch giữa giá bán buôn và giá bán lẻ trên thị trường rất lớn (5.000 - 8.000 đồng/kg). Chênh lệch này các nhà máy đường không được hưởng và thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành Công Thương.

VSSA cho hay, năm 2014 là năm thứ 4 liên tiếp giá đường thấp, gây khó khăn cho nhà máy đường và nông dân trồng mía. Tuy nhiên, đây là thời bội thu của ngành chế biến dùng đường làm nguyên liệu (giá đầu vào giảm), nhưng giá đầu ra không giảm tương ứng (sữa, nước giải khát…).

Theo VSSA, lúc giá đường các nhà máy đường hạ thấp, giá bán lẻ đường và giá các sản phẩm dùng đường làm nguyên liệu bán trên thị trường có giảm cho người tiêu dùng?

Lãnh đạo VSSA cũng cho rằng, giá thành đường Việt Nam cao hơn các nước là nằm chủ yếu ở khâu nguyên liệu. Còn về trình độ công nghệ, nhiều nhà máy đường Việt Nam đã đạt trình độ tiên tiến, “không thua kém các nhà máy đường ở các nước có nền công nghiệp mía đường mạnh” như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… (như nhà máy đường Khánh Hòa, Lam Sơn, Nghệ An, KCP, Bourbon Tây Ninh…).