Hiến pháp phải thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân

TP - Sáng 13-3, Hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sau hai tháng rưỡi đưa ra lấy ý kiến nhân dân.

> Tiếp tục góp ý sửa đổi Hiến pháp đến hết tháng 9
> Hiến pháp phải thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Báo cáo một số vấn đề cần thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Trưởng Ban Biên tập, cho biết: Tổng hợp bước đầu, Ban Biên tập nhận thấy, đa số ý kiến đóng góp đều tán thành với những nội dung chính của dự thảo.

Có ý kiến đề nghị làm rõ nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp bằng cách nào, thông qua cơ quan nhà nước khác là cơ quan nào.

Ban Biên tập cho rằng, căn cứ Cương lĩnh, việc sửa đổi Hiến pháp phải thể hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện của nhân dân; bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.

Nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp như quyền bầu cử, ứng cử, quyền trưng cầu ý dân, quyền bãi miễn đại biểu và thực hiện quyền dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác của nhà nước, của cả hệ thống chính trị…

Quyền sử dụng đất là quyền tài sản

Thời gian qua, có ý kiến đề nghị quy định chế độ sở hữu tư nhân hoặc đa sở hữu về đất đai. Ban Biên tập cho rằng, quan điểm thống nhất, xuyên suốt từ Hiến pháp 1980 cho đến nay là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”.

Đây là quy định nhằm bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân với đất đai, nguồn tư liệu sản xuất quan trọng và lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia, hoàn toàn phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai của Việt Nam. Điểm mới trong lần sửa đổi này là việc hiến định nguyên tắc “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”.

Điều này vừa thể hiện thái độ tôn trọng, bảo vệ của nhà nước đối với quyền cơ bản của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục phòng, chống và xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong thực hiện pháp luật về đất đai.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo kiến nghị, phải coi quyền sử dụng đất là quyền tài sản, từ đó nên sửa quy định thu hồi đất bằng việc trưng mua quyền sử dụng đất.

Làm rõ hơn quyền của Chủ tịch nước

Dự thảo tiếp tục giữ quy định của Hiến pháp 1992 về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước về đối nội, đối ngoại.

Dự thảo sắp xếp, bổ sung để làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đa số ý kiến thảo luận vừa qua đều tán thành với những sửa đổi, bổ sung này.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Có ý kiến đề nghị quy định Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, đồng thời là Tổng Bí thư; có ý kiến đề nghị nghiên cứu thay thiết chế Chủ tịch nước bằng thiết chế Tổng thống do dân bầu trực tiếp theo nhiệm kỳ.

Ban Biên tập cho biết, quy định như trong dự thảo là phù hợp với bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị của nước ta do Đảng lãnh đạo, nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Đề xuất cơ quan chống tham nhũng độc lập

Hầu hết ý kiến tán thành bổ sung 3 thiết chế hiến định độc lập (Hội đồng Hiến pháp, Kiểm toán nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia). Có một số ý kiến đề nghị thay đổi Hội đồng Hiến pháp bằng Tòa án Hiến pháp, có quyền phán quyết đối với những hành vi vi phạm Hiến pháp.

Ban Biên tập cho rằng, cùng với việc tiếp tục phát huy hiệu quả của cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, việc bổ sung thiết chế Hội đồng bảo hiến là rất cần thiết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Trần Đình Nhã góp ý, Hội đồng Hiến pháp cần thực hiện vai trò giám sát cả hoạt động lập pháp. Lần này, QH dám đặt mình dưới sự kiểm soát và có thể bị thổi còi khi các đạo luật của QH ban hành vi phạm hiến pháp.

Nhưng nếu Hội đồng Hiến pháp chỉ có quyền kiến nghị như một ủy ban của QH thì không hiệu quả. Hội đồng đó phải có thẩm quyền đình chỉ các văn bản trái hiến pháp, trái luật, có cơ chế xử lý, buộc QH và các cơ quan ban hành phải xem lại các dự luật, văn bản đã ban hành.

Ngoài ra, ông Nhã kiến nghị quy định trong Hiến pháp mô hình cơ quan chống tham nhũng độc lập, có thể là Ủy ban chống tham nhũng.

Ủy ban này làm nhiệm vụ mà các cơ quan khác không làm hoặc không thể làm được: Kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; giải quyết các vụ án tham nhũng lớn dính líu quan chức cấp cao, tham nhũng có yếu tố nước ngoài...

Theo Báo giấy