Hiến kế gửi Đoàn: Tạo 'bệ đỡ' đổi mới sáng tạo trong sinh viên

TP - Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong trường học, theo các bạn trẻ, tổ chức Đoàn các cấp cần tiếp tục tập trung các nguồn lực, tạo “bệ đỡ” cho các dự án nghiên cứu khoa học, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên.

Anh Nguyễn Thành Đạt, Bí thư Đoàn trường ĐH Đà Nẵng, Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương năm 2022: Đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học cần phải xuất phát từ các trường đại học

Anh Nguyễn Thành Đạt, Bí thư Đoàn Trường ĐH Đà Nẵng, Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương năm 2022

Đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học là xu hướng tất yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Theo tôi, các hoạt động đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học cần phải xuất phát từ các trường đại học - nơi tập trung đông đảo đoàn viên, sinh viên, những người được đào tạo bài bản các kiến thức, kĩ năng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Lợi thế của trường đại học chính là đội ngũ các giảng viên, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, chuyên ngành cũng như khả năng kết nối với các doanh nghiệp, chuyên gia bên ngoài để có thể hỗ trợ cho hoạt động này của sinh viên.

ĐH Đà Nẵng luôn đặt đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học là một trong những trụ cột quan trọng trong các hoạt động của mình. Hằng năm, ĐH Đà Nẵng tổ chức các cuộc thi, hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học từ cấp khoa, trường đến cấp ĐH Đà Nẵng. Cùng với đó là rất nhiều các hoạt động hỗ trợ, tập huấn cho các bạn sinh viên trong quá trình thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học của mình. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được phát triển một cách mạnh mẽ. Nhiều hoạt động được tổ chức với quy mô lớn và thường niên như: Festival Khoa học công nghệ ĐH Đà Nẵng, Cuộc thi khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên InTE, Danang Startup Runway… Trong khuôn khổ các chương trình này, sinh viên được tập huấn kĩ năng, truyền cảm hứng bởi các doanh nhân, các gương khởi nghiệp thành công, chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Từ thực tiễn tại ĐH Đà Nẵng, tôi mong muốn Đại hội XII sẽ tiếp tục các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Trước hết, cần khẳng định hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học nên xuất phát và tập trung ở các trường đại học. Sự đa dạng trong các ngành đào tạo, đội ngũ cán bộ, giảng viên và chuyên gia chính là lợi thế của các trường đại học lớn. Chẳng hạn, để hiện thực hóa một ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đội ngũ sáng lập cần có kiến thức, kĩ năng trong tất cả các lĩnh vực từ công nghệ, kinh tế, quản trị kinh doanh, marketing… Không một nơi nào có nhân lực đầy đủ, đa dạng về các lĩnh vực như các trường đại học. Vì vậy, tôi mong rằng sẽ có nhiều nguồn lực hơn nữa dành cho các trường đại học lớn, như Đại học Quốc gia, Đại học vùng… để thúc đẩy các hoạt động, chương trình lớn về đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

Tôi mong rằng sẽ có một quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho các dự án khởi nghiệp tiềm năng của sinh viên. Thực tế cho thấy, rất nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên chỉ dừng lại ở các cuộc thi. Chúng ta cần nguồn vốn để hiện thực hóa các dự án này.

Anh Võ Anh Khoa, ĐH Quốc gia Changwon (Hàn Quốc), giải Nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học TP Đà Nẵng năm 2019: Liên kết doanh nghiệp, đỡ đầu cho nghiên cứu sinh viên

Anh Võ Anh Khoa, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ - ĐH Quốc gia Changwon (Hàn Quốc), giải Nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học TP Đà Nẵng năm 2019; giải Nhất “Ý tưởng sinh viên tình nguyện” của T.Ư Hội Sinh viên năm 2019

Trong suốt 5 năm theo học tại Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, tôi tham gia nghiên cứu khoa học và đạt được một số giải thưởng nhất định. Ngoài sự hỗ trợ từ phía nhà trường, Đoàn Thanh niên, sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy cô cùng những kiến thức trên ghế giảng đường, quá trình tự học, tự tìm, học hỏi cũng là hành trang quan trọng.

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy, để thúc đẩy các dự án nghiên cứu khoa học, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên, vấn đề quan trọng nhất là sự liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để đỡ đầu cho sản phẩm, nghiên cứu của sinh viên. Thực tế cho thấy, sản phẩm máy gom rác thủy bộ của tôi dù đạt giải cao trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học các cấp nhưng gặp khó khi tìm kiếm các nguồn lực tài trợ, kinh phí để phát triển sản phẩm. Đó là tình trạng chung của các dự án, sản phẩm của sinh viên. Có sản phẩm được hỗ trợ để ra thị trường nhưng không “đứng vững” bởi thiếu kinh nghiệm, sự kết nối.

Các doanh nghiệp sẽ giúp định hướng, đặt hàng sinh viên nghiên cứu theo những nhu cầu thực tiễn. Từ đó, các nghiên cứu của sinh viên sẽ thiết thực, giải quyết những nhu cầu bức thiết trong đời sống. Các tổ chức, doanh nghiệp có sẵn kinh nghiệm, nguồn lực về kinh tế, mối quan hệ, kỹ thuật và công nghệ để đưa các sản phẩm nghiên cứu khoa học ra thị trường, thương mại hóa.

Trong quá trình học tập tại nước ngoài, tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc tự học và tạo môi trường học tập thực nghiệm quan trọng như thế nào. Bên cạnh việc học trên lớp, sinh viên dành nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu, học tập và trau dồi kiến thức của mình. Vì vậy, tôi mong muốn có thể thành lập và phát triển nhiều hơn các mô hình phòng thí nghiệm để học sinh, sinh viên có cơ hội được học hỏi, tìm tòi, phát triển tư duy giải quyết vấn đề và sáng tạo hơn trong quá trình học tập.

Mọi ý kiến, hiến kế của độc giả về Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 gửi về địa chỉ: email: tienphongbtk@gmail.com.