Trẻ bị hại
Ngày 8-9, con trai nhỏ của chị Nguyễn Thị Mai, ở huyện Sóc Sơn phải nhập Viện Tai - Mũi - Họng T.Ư vì nuốt phải vật nhỏ trong đồ chơi. Các bác sĩ (BS) mất hơn 1 giờ mới lấy được dị vật khỏi cổ họng của bé. Chị Mai cho biết, chị mua đồ chơi ở chợ không rõ nguồn gốc. Đau lòng hơn là em T, ở trường phổ thông ở Trung Tự, Hà Nội vừa tử vong vì nuốt quả trứng gà đồ chơi.
Theo BS Nguyễn Cảnh Hùng, khoa Nội soi, Viện Tai - Mũi - Họng T.Ư, cứ đến dịp Trung thu là số trẻ nhập viện tăng vọt, khoảng vài chục em/tháng, vì nuốt phải dị vật. Riêng tháng vừa rồi, có 6 cháu bị ngạt đường thở...
“Nếu vật lạ rơi vào đường thở mà kẹt ở thanh quản thì trẻ rất dễ tử vong" - BS Hùng cho biết. Ông cũng cảnh báo những loại pin đồng hồ (dạng cúc áo), có trong các đồ chơi điện tử, nếu rơi vào cổ họng, sẽ gây loét thực quản, rất khó điều trị sau phẫu thuật.
Với những loại đồ chơi có chứa độc chất, BS Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Nhi T.Ư cho biết: Những chất độc đó không tác dụng tức thì, nhưng sau vài tháng sẽ ngấm ngầm đầu độc hệ thần kinh, gan, tiêu hóa... của trẻ. "Có những đồ chơi óng ánh, chứa thủy ngân, cực kỳ độc khi trẻ nhỏ cắn vào" - BS Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cảnh báo.
Biết sai vẫn bán
Chợ Lớn, nơi được coi là trung tâm tập kết và phân phối đồ chơi trẻ em tại địa bàn TPHCM và nhiều tỉnh thành khác, đang bày bán nhiều đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc. Các tiểu thương cho biết, đồ chơi Trung Quốc được trẻ em yêu thích vì sự đa dạng, phong phú về màu sắc và chủng loại. Tuy nhiên, hầu hết người bán hàng rất thờ ơ với quy định về dán tem hợp quy (CR).
Theo khảo sát của chúng tôi, tại các cửa hàng, siêu thị lớn có nhiều mặt hàng ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, dán tem phần lớn nhập từ Mỹ, Đan Mạch, Thái Lan, Singapore… nhưng giá khá cao.
Chủ một cửa hàng trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, cho biết: "Chúng tôi có nghe thông tin về quy định dán tem đồ chơi. Khi nào người ta bắt đầu kiểm tra xử phạt thì dán cũng chưa muộn. Bây giờ chỉ biết hạn chế nhập hàng dù mùa Trung thu đang cao điểm và cố bán nốt số hàng tồn kho”.
Tại Hà Nội, các phố đồ chơi Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can... vẫn bày bán mặt hàng đĩa bay phát sáng bị nhiễm độc đã được cơ quan chức năng điểm danh.
Một số người bán hàng trên phố Hàng Mã cho biết, khi mua hầu như không có khách hàng hỏi về tem chất lượng. Một số nơi thậm chí còn lừa khách, khi nói rằng: Tem được dán chung vào một lô hàng, chứ không dán riêng.
Lỗ hổng của con tem?
Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, sản phẩm, hàng hóa (Bộ KH-CN) Nguyễn Xuân Hùng khẳng định: Tem CR phải được dán vào từng sản phẩm.
Nếu đồ chơi không đảm bảo chất lượng thì có thể phạt ngay, căn cứ Nghị định 54/CP/2009 và Thông tư 18 năm 2009 (Bộ KH-CN). Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết, Để xử phạt cần sự phối hợp của liên ngành, trong đó có quản lý thị trường.
Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, dịp Trung thu này, mới bắt giữ được 2 trường hợp vận chuyển đồ chơi (súng nhựa) và hàng hóa không rõ nguồn gốc trên phố Hàng Lược (Hà Nội) nhưng cơ quan này lại không có bộ phận xét nghiệm độc tính, nên "có thể còn nhiều sản phẩm bị lọt lưới" - Đại diện phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp của Chi cục, cho hay.
Ông Hùng cho rằng, kể cả khi đã được dán tem, thì chỉ một số mẫu được các Cty kinh doanh đồ chơi mang đến kiểm nghiệm tại vài cơ quan chuyên trách của Bộ KH-CN; còn lại, các sản phẩm cùng loại khác là do doanh nghiệp tự in và dán lấy tem.
Một lỗ hổng khác là những đồ chơi trong các khu công cộng như công viên, vườn hoa... lại không do Bộ KH-CN ban hành quy chuẩn và quản lý, mà đưa sang bộ VH- TT&DL. Chưa rõ bộ này có ban hành quy chuẩn và kiểm tra việc áp dụng hay không, nhưng theo các bác sĩ, các ổ quay và thiết bị điện... trong các trò chơi ngoài trời ở nhiều nơi không đảm bảo an toàn cho trẻ.