Hệ thống ngân hàng đi theo khuyến nghị của FSAP

TP - Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả thực hiện Chương trình đánh giá tài chính (FSAP) và công bố báo cáo đánh giá khu vực tài chính (FSA) và khẳng định đang triển khai các khuyến nghị của đoàn FSAP theo phương thức chủ động. 

Báo cáo FSA là báo cáo tổng hợp của chương trình FSAP trong đó đưa ra các đánh giá về khu vực tài chính, sự ổn định và tiềm năng của hệ thống Tài chính. 


Báo cáo đã ghi nhận những thành tựu đạt được trong giai đoạn đổi mới kinh tế của Việt Nam nhưng cũng nhấn mạnh quá trình này đã tích lũy nhiều bất ổn tiềm tàng như: Hệ thống tài chính Việt Nam bắt đầu bộc lộ nhiều dấu hiệu căng thẳng và tích tụ nhiều yếu tố dễ bị tổn thương đặc biệt là hệ thống ngân hàng do các nhân tố thể chế, cũng như những yếu kém của khu vực doanh nghiệp, khu vực bất động sản và tình trạng suy giảm chung ở các nền kinh tế mới nổi; chế độ kế toán kiểm toán cùng các quy định về công bố thông tin tài chính và phi tài chính còn hạn chế..

Trên cơ sở đánh giá thực trạng hệ thống tài chính Việt Nam, báo cáo đã đưa ra một loạt đề xuất khuyến nghị cho các bộ ngành có liên quan. Theo đó, chương trình FSAP sẽ góp phần lành mạnh hóa tài chính, giảm bớt số lượng tổ chức tín dụng theo chi phí thấp nhất, loại trừ nguy cơ đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát. 

Chương trình đánh giá tài chính (FSAP) do Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khởi xướng thực hiện từ tháng 5/1999 nhằm hỗ trợ các nước thành viên phân tích, đánh giá tổng quát hiện trạng mức độ ổn định và phá triển của hệ thống tài chính. 

Trên cơ sở phân tích những tiềm năng của chương trình FSAP, Chính phủ Việt Nam đã chủ động trao đổi với WB và IMF về kế hoạch thực hiện Chương trình tại Việt Nam và thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về FSAP với NHNN có vai trò là cơ quan giúp việc.