Hé lộ bí mật những người Nhật tự giam mình

TP - Với “hikikomori”, Nhật Bản đóng góp thêm một lối sống cho thế giới. Khái niệm này được nhà tâm lý Saito Tamaki đưa ra từ năm 1998 chỉ những thanh niên và trung niên Nhật Bản ở lì trong phòng riêng 6 tháng trở lên. Dự án mới nhất của nhà nhiếp ảnh Maika Elan (giải Nhất World Press Photo 2013) chụp những người này.
Hiroki Chujo vẫn tiếp tục lối sống hikikomori. Ảnh: Maika Elan.

Mở cánh cửa khép kín

Maika vừa giới thiệu thành quả bước đầu sau 4 tháng đột nhập thế giới của những người Nhật đóng cửa với xã hội. Cô được Quỹ Nhật Bản tài trợ 6 tháng ở Nhật để chụp ảnh.

“Tôi luôn thích các đề tài về con người và những mối liên hệ xung quanh. Thì hikikomori (gọi tắt là hickey) là một dạng lựa chọn trong đó cá nhân đó không có mối liên hệ nào hết”, Maika lý giải. Bằng mạng lưới quen biết của một nghệ sĩ quốc tế, cô tìm được vài người như vậy. Trong đó có nhiếp ảnh gia Hiroshi Okamoto từng 3 năm làm hikikomori và tự dứt ra được.

Đây là trường hợp hiếm gặp. Phần lớn hikikomori trở về với đời thường qua sự giúp đỡ của những “rental sister/brother”, tạm dịch là những “anh/chị nuôi” được gia đình của hickey thuê để giúp con mình. Những anh chị nuôi này sẽ gửi thư làm quen với các hickey. Ban đầu lá thư có thể bị xé hoặc ném vào thùng rác. Sau khi các hickey chịu giao tiếp, họ bắt đầu đến nhà.

Ban đầu có thể chỉ đứng bên ngoài phòng nói chuyện. Người trong phòng có trả lời hay không còn tùy. Maika theo chân Oguri Ayako- một rental sister có kinh nghiệm 10 năm trong nghề đến nhà một hickey và nhận ra gói bánh Oguri để lại trước cửa phòng làm quà hết hạn từ lâu. Đơn giản là người được tặng không thèm động đến.

Quy tắc tôn trọng đời sống cá nhân, phòng riêng- lãnh địa mà người ngoài (bao gồm bố mẹ) không được xâm phạm là một trong những yếu tố khiến lối sống hikikomori phát triển ở Nhật. Ước tính trên 1 triệu người Nhật (chiếm 1% dân số) mắc hội chứng tâm lý này.

Các anh chị nuôi đạt thành công bước đầu khi rủ được hickey đi chơi. Lúc đó họ sẽ trở thành người bạn duy nhất được hickey tin tưởng. Maika cũng được theo chân Oguri và “bạn” đi chơi nhưng ban đầu chỉ được đứng từ xa quan sát. Để được vào nhà của hiki cũng không đơn giản. Cô phải gửi hồ sơ cho bố mẹ của hickey duyệt trước. Hickey chỉ xuất hiện trong những gia đình trung lưu trở lên.

Oguri cũng chính là cầu nối giữa thế giới khép kín của các hickey với ống kính của Maika. Trước đó, để tiếp cận hickey, Maika xin vào trung tâm New Start - chuyên hỗ trợ hickey trở lại cộng đồng- để làm tình nguyện viên. Việc của Maika là giúp các hickey thực hành nói tiếng Anh. Vừa ngỏ lời muốn chụp ảnh, các hickey trốn biệt, thậm chí không đến trung tâm nữa.

Dự án của Maika tưởng chừng lâm vào ngõ cụt. Cho đến khi cô tìm được tiểu thuyết Hikikomori and the rental sister của Jeff Backhaus và biết tới khái niệm “rental sister”. Hóa ra ngay trong New Start cũng có người làm công việc này. Và Oguri trở thành bạn đồng hành của Maika. Nói thì dễ, nhưng Maika đã phải dội bom email, tin nhắn mới được chị chấp nhận cho theo chân tới các gia đình hickey. 

Vì dù sao họ cũng là khách hàng của Oguri. Mà hickey tuy phổ biến nhưng là vấn đề hết sức nhạy cảm ở Nhật. Vì sao có những người có cơ hội giam mình trong phòng cả 10 năm? “Vì gia đình họ muốn giữ thể diện, không muốn người ngoài biết nhà mình có vấn đề,” Maika lý giải. “Các ông bố bà mẹ đã già, sắp không thể cưu mang được đứa con hikikomori mới nhờ đến các trung tâm như New Start”.

Chuyện đời hikikomori

Các hickey hóa ra không quá khó gần. Maika kể: “Nhiều bạn rất vui vẻ, hoạt bát, thông minh, rất nhiều năng lượng”. Có lẽ cũng phải mạnh mẽ đến mức nào đó mới đủ sức giam mình trong phòng mà không chán?!

Hiroki Chujo 23 tuổi, bị căng thẳng trong công việc mà cậu chán ghét, đến mức đau dạ dày. Gia đình làm kinh doanh trong khi Hiroki muốn thành ca sĩ nhạc kịch. Cậu đi làm 2 năm tiết kiệm được một số tiền đem chơi game 3 tháng thì hết. Bố mẹ mắng, Hiroki rút vào phòng 2 năm. Cho đến ngày không thấy bố mẹ để đồ ăn ngoài cửa phòng, Hiroki buộc phải ra ngoài và nhận ra họ đã chuyển đi, để lại lá thư. Thư cho Hiroki hai chọn lựa, một là kiếm việc hai là gọi cho New Start.

Trung tâm này đảm bảo môi trường sống như mong muốn của các hickey, chỉ có điều không phải ở nhà họ. Các hickey được tập làm quen với các công việc phù hợp, mở rộng giao tiếp, phát triển ý thức phục vụ cộng đồng… Họ chỉ được ở trung tâm 2 năm, rồi phải ra ngoài tìm việc. Sau 6 tháng chưa tìm được việc, họ có thể quay lại ở thêm 2 năm nữa. Cứ thế, có người loanh quanh ở trung tâm đến 10 năm.

Lại nói khi gặp Hiroki, Maika ngạc nhiên vì cậu rất hoạt bát, chăm học tiếng Anh. Hiroki cởi mở đến độ sẵn sàng cho chụp khỏa thân trong phòng tắm. Maika nghĩ sau 2 năm ở New Start, cậu sẽ dễ dàng có việc làm, ai dè Hiroki lại chuyển sang ở một trung tâm khác.

Cũng có những người đúng là “mệt mỏi vì quá giỏi”. Chẳng hạn Kazuo Okada, 48 tuổi có tư duy về số, cực phát triển. Ông làm ở cục thuế và hoàn thành mọi việc trong ngày chỉ trong vài tiếng. Nhưng ông không được nghỉ ngơi mà lại bị sếp giao việc mới. Mặt khác trong mắt ông, đồng nghiệp đầy sai sót. Okada bèn đóng cửa phòng 7 năm. Tại đó, ông giữ thói quen đưa tất cả các món trong bữa lên cân cho đủ lượng rồi mới ăn.

Masaya Hashimoto, 32 tuổi học giỏi, thể thao giỏi, công việc tốt, từng bỏ ra 2 năm du lịch vòng quanh thế giới. Sau chuyến đi đó, Masaya đâm ra thất vọng về thế giới (!) và rút vào phòng 7 năm. Mahaya đồng ý cho Maika chụp ảnh đi chùa nhưng dứt khoát không cho chụp phòng riêng. Anh sang Việt Nam cùng Maika để chia sẻ câu chuyện của mình. “Mong muốn quay lại với xã hội nên tôi có mặt ở đây,” anh nói.

Việt Nam cũng có hikikomori?

Ý tưởng ban đầu của Maika Elan là chụp giây phút các hickey vừa ra khỏi nơi trú ẩn sau thời gian dài cấm cung. Nhưng ai cũng nói nó bất khả thi. Làm gì có chuyện các hickey ồ ạt rời phòng để nhiếp ảnh gia có thể tác nghiệp trong thời gian ngắn. Loạt ảnh về hickey mà Maika công bố đủ để người xem ấn tượng, nhưng với tác giả, chúng chỉ dừng ở mức tư liệu.

Nhân vật Maika muốn theo đuổi giờ là Oguri Ayako. Cô muốn chụp trọn vẹn một ca thuyết phục hickey của Oguri. Mà thời gian trung bình một anh chị nuôi có thể đem hickey ra khỏi thế giới đơn độc của họ là 1-2 năm. Do đó, điều Maika cần bây giờ là được tài trợ số tiền đủ để cô sống và làm việc 2 năm ở Nhật.

Trong buổi nói chuyện của Maika mới đây tại Quỹ Nhật Bản ở Hà Nội về hikikomori, một cô giáo chia sẻ về IVS- trường nội trú đặc biệt chuyên “điều trị” vị thành niên nghiện game và mạng ở Hà Nội, Bắc Ninh và TPHCM. Nhiều em từng học các trường nổi tiếng như Hà Nội- Amsterdam, ĐH RMIT hay du học ở Boston (Mỹ). 

Các em cũng có những triệu chứng giống hikikomori nhưng gia đình không để các em sống như vậy quá 2-3 năm. Số gia đình có nhu cầu đưa con em “cai nghiện” ngày càng tăng và trường đang phải mở thêm chi nhánh. 

Nhiều trường hợp được nhà trường khắc phục thành công nhưng sau khi trở về gia đình lại tái phát. Theo cô giáo này thì, gốc rễ của vấn đề nằm ở gia đình, khi bố mẹ không đồng hành với con, kịp thời giúp con tháo gỡ những vướng mắc tâm lý trong cuộc sống hàng ngày.