Mỹ Linh viết: Mấy hôm nay thấy rất nhiều phụ huynh giận dữ vì chuyện 3 nữ sinh viên ngoại thương đi làm tình nguyện rồi thiệt mạng, tôi có mấy điều muốn chia sẻ thế này:
1. Tôi làm một động tác google để tìm hiểu nguyên nhân vì sao 3 nữ sinh thiệt mạng, các báo đưa tin rằng các sinh viên đi tình nguyện và dừng lại chơi đùa bên suối gần đập tràn. Bình thường suối cạn nhưng hôm đó suối sâu do trước đó mưa lớn, các nữ sinh trượt chân và bị nước cuốn trôi. Nếu thông tin các báo đưa là đúng sự thật, tôi thấy việc nhiều nhà báo và các bậc phụ huynh lên tiếng phê phán phong trào tình nguyện tổ chức không tốt rồi đổ lỗi tại đoàn đội hình như có phần không được công bằng cho lắm.
Tôi vốn không ủng hộ những phong trào hoạt động làm màu. Nhưng tôi tự hỏi, các bạn yêu cầu tổ chức tốt là tổ chức thế nào? Không lẽ các bạn đi làm tình nguyện (tức là đi giúp đỡ người khác) mà các bạn còn đòi nhà tổ chức phải cung cấp một đội vệ sĩ đi theo bảo vệ các bạn 24/24, kể cả đi tắm cũng có vệ sĩ đứng bên cạnh để canh gác. Tôi tự hỏi, các nữ sinh đều đã trên 18 tuổi, tức tự ý thức được sự an toàn của bản thân, vậy mà các bạn muốn nhà tổ chức phải nhắc nhở bạn không được ra sông suối nếu không biết bơi? Tôi tự hỏi, thậm chí nếu phong trào tình nguyện tổ chức tốt đi chăng nữa, liệu 3 nữ sinh kia có thiệt mạng không? Có, họ mất mạng vì thiếu kĩ năng sinh tồn chứ không phải vì một phong trào nào cả. Nếu họ không tham gia phong trào tình nguyện thì trong cuộc đời họ cũng sẽ có vô vàn lần khác phải đối mặt với chuyện đi qua sông suối và chẳng ai dám chắc rằng họ sẽ được an toàn trong những lần đó.
2. Các bạn bảo “phong trào tình nguyện chạy theo thành tích!”. Ở nước ngoài cũng vậy thôi, thậm chí có trường học bắt sinh viên phải có một kỳ nghỉ đi làm tình nguyện. Làm tình nguyện giúp chúng ta thấu hiểu ý nghĩa của sự cho đi. Duy có điều thỉnh thoảng tôi thấy vài sinh viên Việt Nam đi làm tình nguyện để chụp hình check-in, chứ làm thật thì ít.
3. Tôi đã rất nhiều lần băn khoăn về câu chuyện kĩ năng sinh tồn của người Việt. Tôi từng kể với những người bạn phương Tây của tôi rằng, ở Việt Nam, khi người ta muốn tự tử, rất nhiều người quyết định ra cầu nhảy xuống sông tự tử. Các bạn của tôi cười ồ lên hỏi: “Sao kỳ vậy, ở nước tôi khi người ta muốn tự tử người ta leo lên các tòa nhà cao tầng để nhảy xuống chứ không ai ra đứng cầu để nhảy xuống sông cả. Vì đa phần ai cũng biết bơi nên họ biết nhảy xuống sông họ sẽ không chết”. Tôi muốn hỏi, có ai trong chúng ta làm một cuộc điều tra để biết bao nhiêu phần trăm dân số Việt Nam biết bơi chưa? Nếu có, chắc chúng ta sẽ bàng hoàng về tỉ lệ phần trăm người Việt biết bơi cho đến thời điểm này. Tôi thậm chí ngạc nhiên khi rất nhiều người Việt Nam sống ở vùng sông nước mà không biết bơi!
4. Là người sáng lập một tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí, tôi thường kết nối thành viên của mình bằng những chuyến đi thử thách sinh tồn. Dĩ nhiên, tôi yêu cầu các thành viên tham gia phải ký giấy cam kết, tuân thủ theo luật và tự chịu trách nhiệm an toàn hẳn hoi. Tôi nhớ có lần bày ra game chơi các đội học cách tự nhóm lửa không dùng bật lửa. Tôi hy vọng các thành viên háo hức tìm cách tạo ra lửa bằng sự nỗ lực của họ . Nhưng không, mỗi thành viên đều giấu sẵn bật lửa trong túi quần và đem bật lửa ra đốt. Khi bị tôi phát hiện và hỏi tại sao không tuân thủ luật chơi, các thành viên trả lời, có đời nào đi vào rừng lạc trong rừng đâu mà học cho mệt. Tôi nghĩ, 3 nữ sinh kia cũng chẳng nghĩ có ngày họ phải đi qua suối và trượt chân như chuyến đi tình nguyện này nên họ cũng chẳng màng học bơi. Chúng ta ngụy biện cho những kĩ năng yếu kém của chúng ta, và rồi khi xảy ra chuyện, chúng ta đổ lỗi cho nhà tổ chức.
5. Tôi thấy thật mâu thuẫn, thay vì nghĩ đến cách trang bị cho con cái mình kĩ năng sống thì các bậc cha mẹ chọn cách bảo bọc con cái mình trong những vỏ trứng và không cho chúng bước ra thế giới bên ngoài. Như chuyện thấy con người ta chết đuối, thay vì tìm cách dạy con học bơi thì các vị cấm con mình lại gần ao hồ. Như chuyện thấy con người ta bị đứt tay, thay vì dạy con cách cầm dao thì các phụ huynh cấm luôn con mình vào bếp nấu ăn. Rút cuộc, rất nhiều người trẻ Việt lớn lên trong cảnh thiếu thốn những kĩ năng cần thiết yếu nhất mà lẽ ra một nước nghèo phải giỏi và thành thạo hơn những nước giàu.
6. Tôi không hiểu, phải chăng do thói quen đổ lỗi đang dần chiếm ưu thế nên đến nỗi ngay cả chuyện 3 nữ sinh chết đuối, dư luận cũng đổ lỗi nhà tổ chức. Tôi thành thật chia buồn đến gia đình 3 nữ sinh đã mất đi khúc ruột của họ. Nhưng để đổ lỗi một cách công bằng, từ đoàn đội đến phụ huynh đến xã hội đến cả các nạn nhân, tất cả đều phải gánh phần trách nhiệm ở trong đó.