Hậu quả của 'bốc phét' qua mạng

TP - Nữ sinh Ban Mai đậu thủ khoa Văn đầu vào trường THPT chuyên ở Hà Tĩnh được lên báo vì bài văn 21 trang viết trong 150 phút, được các báo đưa tin âu cũng là chuyện thường. Sự việc chỉ trở nên bất thường khi facebooker Chu Mộng Long - giảng viên đại học ở Quy Nhơn - nhìn nhận qua lăng kính riêng, ví em Ban Mai là “máy chạy chữ tự động” và còn lý giải “nghĩa là em không có não mà cái não bị điều khiển bởi người khác”.

Ông còn phỏng đoán giám khảo “không đọc hết bài thi”, “đo gang cho điểm” cũng như “đọc câu đầu đã biết cả bài viết gì”. Được đà, ông tiếp tục kết luận “trường chuyên văn Hà Tĩnh tuyển loại học sinh sau này ra đời bốc phét”, “viết văn như vậy thì không thành người bán kẹo kéo cũng thành đứa bợm nhậu”.

Về quy trình chấm điểm, cô Đinh Hồng Nhung, giáo viên Văn ở Lai Châu chia sẻ trên báo: “Một bài thi dọc phách, chấm 2 vòng, lệch giữa 2 vòng chấm chỉ 0,5 điểm là phải đối thoại tranh luận để xem lấy điểm nào vào bài, chứ không phải chấm một lần lấy điểm luôn”. Và: “Ngoài điểm nội dung còn có điểm yêu cầu về mặt hình thức, vấn đề nghị luận, sự sáng tạo... Không học sinh nào viết linh tinh lại được điểm cao và nói như vậy hóa ra Hội đồng tuyển sinh làm việc tắc trách”.

Thạc sĩ Nguyễn Mộng Tuyền, giáo viên Văn ở TPHCM nhớ lại: “Ngày xưa, chúng tôi đi thi học sinh giỏi Văn, đã có những bạn viết 28 trang giấy (tức 7 tờ giấy thi) trong vòng 180 phút. Tôi cũng từng như vậy”.

Ông Long nhận được không ít những lời đồng tình trong phần bình luận, nhưng đồng thời cũng có một làn sóng phản đối từ các giáo viên, nhà báo, nghệ sĩ... Họ chỉ ra rằng ông đang có dấu hiệu vi phạm Luật Trẻ em khi dùng những lời lẽ có tính chất xâm hại và bạo lực như trên. Một số người khuyên gia đình nữ sinh nên đưa ông Long ra tòa.

Cư dân mạng phát hiện ông Long sau đó gạch xóa bài viết của mình nhiều lần. Ông nhấn mạnh Ban Mai là “nạn nhân của báo chí” và thêm vào những câu như: “Tôi tin báo chí bịa đặt chứ không phải sự thật” và “báo (chứ không phải ông-PV) xem em không có não mà cái não bị điều khiển bởi kẻ khác”. Ông cũng viết một bài khác để nói cho rõ về luận điểm của mình: “Chê là chê báo chí biến cô bé thành nạn nhân. Chê là chê ban giám khảo xem bài văn 21 trang là bài văn xuất sắc. Viết dài hay viết ngắn đối với cô bé chẳng có tội tình gì”. Ông thách thức “đám người lớn làm hỏng trẻ con”: “Có gan thì trực tiếp kiện tôi chứ nhân danh bảo vệ trẻ em, kích động phụ huynh học sinh, thì hèn mạt và đê tiện lắm!”.

Tóm lại là “tính chiến đấu” của ông không hề giảm nhiệt. Để có thêm đồng minh ông chia sẻ một bài viết của một Thái Lâm Phạm nào đó (không phải từ trang chính chủ) chuyển mũi dùi sang tấn công hệ thống trường chuyên. Bài viết có những câu cũng đầy tính chụp mũ và mạt sát như: “Một người viết đỉnh cao thì không thể viết 21 trang trong 150 phút. Đó chỉ có thể là những cú copy-paste từ đống rác nọ sang đống rác kia”.

Những diễn biến này chắc hẳn chưa dừng lại. Nó thể hiện sự đấu tranh xã hội trong nhận thức về quyền trẻ em, về nhân phẩm của mỗi người cũng như ranh giới của phản biện trên mạng… Qua đây cũng có thể thấy tác dụng ngược của việc thể hiện quyền lực bằng ngôn ngữ trên mạng xã hội. Hiện nay không ít người tìm thấy chỗ thể hiện bản thân đắc ý trên mạng xã hội. Và sự tự tôn của họ được xây đắp bằng lượng tương tác của những người dùng khác. Tương tác càng tăng càng làm cho họ cảm thấy mình quyền lực hơn. Dường như họ có thể điều khiển được cảm xúc của đám đông bằng cách chọn đề tài, hướng tiếp cận trong những bài viết của mình.

Say sưa với chìa khóa thành công đó, họ có thể đánh mất hoặc để lộ bản chất của mình bất cứ lúc nào. Vì những bài viết đó tất nhiên không có ai góp ý, chỉnh trang. Và chủ nhân thường có tâm lý phải viết thật nhanh để đăng lên cho nóng.

Với những người say sưa xây đắp phiên bản trực tuyến của bản thân, mạng xã hội có thể chính là nơi họ trút xuống những ẩn ức hoặc bất như ý không thể giải tỏa trong đời thực. Việt Nam cách đây 3 năm bị xếp vào số 5 nước (cùng với Nam Phi, Peru, Columbia và Nga) có chỉ số văn minh trực tuyến thấp nhất. Có vẻ như người Việt đang dành hơi nhiều thời gian để tranh cãi trên mạng xã hội từ những vấn đề như số trang của một bài thi vào trường THPT.