Hậu gây rối ở Bình Dương: Tạm ứng bảo hiểm hơn 114 tỷ đồng cho DN

TP - Các doanh nghiệp bị hư hại trong sự cố gây rối tỏ ra phấn khởi khi chiều qua 6/6, các đơn vị bảo hiểm đã trao 114,7 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại.
Các công ty bảo hiểm trao tiền tạm ứng cho DN bị thiệt hại trong vụ gây rối vừa qua

Tại buổi chứng kiến lễ tạm ứng tiền cho các doanh nghiệp (DN) tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm trong việc bảo đảm môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài và hỗ trợ doanh nghiệp thiệt hại nhanh chóng nhất”.

Tạm ứng trước

Tại buổi trao tiền tạm ứng bảo hiểm, 87 doanh nghiệp đầu tư Đài Loan nhận 28,3 tỷ đồng; ba nhà đầu tư Singapore nhận 28,3 tỷ đồng; bốn nhà đầu tư Hồng Kông được ứng bảo hiểm 21,8 tỷ đồng và ba nhà đầu tư Hàn Quốc nhận 3,3 tỷ đồng… Chia sẻ với những thiệt hại của DN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, số tiền tạm ứng bồi thường mặc dù chưa đáp ứng được hết nguyện vọng của các doanh nghiệp, nhưng đây là một trong những việc làm khẳng định cam kết và trách nhiệm của DN bảo hiểm đối với khách hàng. Nguồn kinh phí này cần thiết để giúp các DN khắc phục một phần khó khăn để ổn định, khôi phục sản xuất.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các DN bảo hiểm khẩn trương phối hợp với các DN bị thiệt hại và địa phương để xác định thiệt hại, tiến hành bồi thường sớm; đồng thời Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố liên quan chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ DN bảo hiểm triển khai thực hiện công tác bồi thường bảo hiểm.

Ông Tony Hsing - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm Fubon cho biết, sau hơn hai tuần làm việc, Công ty Fubon đã hoàn thành việc giám định tổn thất của các DN. Ông Tony Hsing cho biết thêm các DN đang hoàn thành việc cung cấp danh mục tổn thất để Fubon nhanh chóng hoàn tất hồ sơ, tiếp tục thủ tục đền bù.

Trong khi đó, theo Phó tổng giám đốc Công ty bảo hiểm Bảo Việt Nguyễn Quang Phi, đã có 62/94 khách hàng bị thiệt hại tại Bình Dương được tạm ứng số tiền 26,8 tỷ đồng. “Khách hàng ở Bình Dương bị thiệt hại ước tính 150 tỷ đồng. Bảo Việt đang khẩn trương thẩm định tiếp các thiệt hại để sớm bồi thường cho khách hàng”- ông Phi cho biết.

“Chúng tôi rất vui”

Đánh giá về việc giải quyết, hỗ trợ đền bù cho DN tham gia bảo hiểm, đại diện Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam và Hiệp hội thương gia Đài Loan tại Việt Nam nói các ngành chức năng của Việt Nam đã rất tích cực và chuyên nghiệp, nhất là các DN bảo hiểm. Nhiều DN cho biết, tuy bị thiệt hại lớn về tài sản nhưng họ rất tin tưởng vào cách giải quyết của Chính phủ Việt Nam.

Ông Kent Teh - Tổng giám đốc các nhà máy Esquel Garment tại Việt Nam cho rằng, vì quyền lợi của DN và hơn 5.000 lao động, họ đã nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh và hiện tại các nhà máy Esquel Garment đã trở lại hoạt động bình thường.

Theo ông Kent Teh, hiện công ty đã được tạm ứng trước 1 triệu USD. “Dù số tiền tạm ứng này vẫn còn nhỏ so với tổng thiệt hại từ công ty nhưng chúng tôi thấy ấm lòng, rất vui vì được Chính phủ Việt Nam quan tâm”- ông Kent Teh nói, rất vui khi Công ty bảo hiểm Bảo Việt đã nhanh chóng, chủ động liên lạc, đánh giá các thiệt hại của DN.

“Sự phản hồi nhanh của công ty bảo hiểm đã giúp công ty nhanh chóng phục hồi sản xuất chỉ trong vòng 2 tuần”, một đại diện khác DN Đài Loan cho biết.

Trong buổi trao tiền tạm ứng bảo hiểm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cho biết, hiện công tác khám nghiệm hiện trường, thẩm định nguyên nhân thiệt hại đang trong giai đoạn hoàn tất. Trong tuần tới địa phương này sẽ xem xét và giải quyết đền bù cho các DN bị thiệt hại còn lại.

“Các cơ quan chức năng đang triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, giảm thuế, khấu trừ và hoàn thuế đối với sản xuất kinh doanh. Tỉnh sẽ xem thiệt hại của từng DN để có hỗ trợ cụ thể cho DN; đồng thời giải quyết quyền lợi cho người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”, ông Cung nói.

Hải quan làm việc ngày nghỉ để hỗ trợ doanh nghiệp

Ngày 6/6, Tổng cục Hải quan cho biết, đã yêu cầu Cục Hải quan Bình Dương thực hiện làm việc liên tục trong 2 ngày nghỉ cuối tuần (thứ Bảy, Chủ nhật) đến hết 30/6 để phục vụ các yêu cầu cần thiết của doanh nghiệp bị thiệt hại.

Trung tâm Dữ liệu và Công nghệ thông tin đã cử cán bộ tin học hỗ trợ các chi cục, phối hợp các công ty cung cấp phần mềm để hỗ trợ doanh nghiệp khai báo thủ tục hải quan điện tử. Đặc biệt, Hải quan Bình Dương kiên quyết không bố trí cán bộ công chức thiếu trách nhiệm, yếu nghiệp vụ tham gia giải quyết công việc.