Năm 1979, ở tuổi 26, Thomas Friedman đến Liban tác nghiệp. Như một sự sắp đặt của số phận, không chỉ làm việc mười năm mà Thomas Friedman đã sống, đã dấn thân cả một giai đoạn trưởng thành của cuộc đời mình ở đó.
Nơi ấy, hai vợ chồng ông đã trải qua thời gian khó. Nơi ấy, hai đứa con gái của họ ra đời. Bởi vậy, Từ Beirut đến Jerusalem không chỉ là cuốn sách mà còn là tâm can của Thomas Friedman về giai đoạn đó, trên cái nền lịch sử xung đột triền miên của Trung Đông kể từ khi vùng đất đặc biệt ấy hình thành.
Thomas Friedman đã sẵn sàng dấn thân ở Trung Đông giữa lúc các đồng nghiệp phương Tây bị bắt cóc liên tục, giữa lúc tiếng súng xung đột cứ đùng đùng.
Ông đến đó bằng cả sự háo hức sau một thời niên thiếu đã đôi lần viếng thăm theo gia đình vốn là người Mỹ gốc Do Thái, bằng sự thôi thúc muốn tìm hiểu thực tế sau khi đã làm luận văn thạc sĩ lịch sử và chính trị về Trung Đông ở đại học Oxford (Anh), và hơn hết, bằng sự thôi thúc của tiếng nói nghề báo phải đến tận cùng của sự việc.
Phải đến tận nơi được xem là tâm điểm xung đột của thế giới hiện đại có một sức hút mãnh liệt với bất cứ phóng viên thời sự quốc tế nào, trong đó có ông, lúc đó là phóng viên hãng tin UPI và sau này chuyển sang làm phóng viên nhật báo The New York Times.
Không long lanh như trong truyện của Mark Twain thuở ấu thơ mà Thomas Friedman thường đọc, Trung Đông là tấm thảm vĩ đại nhưng biết bay như trong Nghìn lẻ một đêm, một tấm thảm hoành tráng và tưởng bền chặt nhưng vẫn có thể tháo ra dệt lại.
Vô số hiệp ước hòa bình đã được đặt bút ký, ký rồi vẫn giao tranh. Hòa bình Trung Đông đã trải qua bao nhiêu lần hy vọng với những thỏa thuận không thể nhớ hết, và cũng đã trải qua bao nhiêu lần thất vọng khi tiếng súng trên thực tế xé toang những thỏa thuận trên các bàn đàm phán.
Từ khi đóng vai trò “sen đầm quốc tế”, Tổng thống Mỹ đời nào cũng mời hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine đến Trại David yên bình để bắt tay nhau cười dáng vẻ nồng ấm với thỏa thuận hòa bình mới. Nhưng những cái bắt tay ấy chưa hết nồng ấm thì xung đột chết người đã xảy ra ở Trung Đông rồi.
Khi Thomas Friedman đến đó, cũng như thời gian ông sống và tác nghiệp ở đây, người Mỹ như ông phải luôn nghe những lời xỉ vả chói tai như ông viết trong sách: “Mả mẹ bọn người Mỹ, lũ người Mỹ kiêu căng, cút về nước chúng mày đi chứ”.
Thomas Friedman hiểu sự hiện diện của một nhà báo Mỹ tại Trung Đông, tác nghiệp ở đây chính là đi tìm câu trả lời vì sao tấm thảm hòa bình Trung Đông cứ tháo ra dệt lại bao nhiêu lần mà vẫn chưa thành.
Ông - một nhà báo Mỹ ghi lại sự kiện, chứ không phải là chính khách Mỹ đi tìm đồng minh - thấm sâu khát vọng của người dân ở đây được khắc trong một tấm đá hoa cương: “Nói có với cuộc sống. Nói không với chiến tranh”.
"Đó là nơi “không có sự thật, chỉ có những phiên bản mà thôi”, và cũng là chốn “quá khứ đã chôn vùi tương lai, và có thể sẽ mãi luôn như thế” - Thomas Friedman
Năm 1989, ông rời Jerusalem, để lại một thời trai trẻ và trưởng thành của mình, mang theo bao nung nấu hình thành cuốn sách đầu tay Từ Beirut đến Jerusalem. Cuốn sách ra đời, đoạt Giải sách quốc gia Mỹ năm 1989, ghi tên tuổi Thomas Friedman vào trí nhớ bạn đọc quốc tế.
Cuộc hành trình nhọc nhằn mười năm như một sự vỡ ra với bạn đọc quốc tế về một thế giới Trung Đông lần đầu tiên được một người ngoài cuộc sống vào đời sống của người trong cuộc tường thuật tỉ mỉ, chắt lọc, sâu sắc về một thế giới hết sức phức tạp và nhiều bí ẩn như người đẹp sau tấm khăn choàng.
Đó không chỉ là cuốn sách, cuốn nhật ký mà còn là cuốn từ điển hấp dẫn về Trung Đông mà khi đọc nó, bạn đọc như đang đi trên chiều dài lịch sử của Trung Đông và hiểu được vì sao cho đến nay những sự kiện xảy ra ở vùng đất này đều trở thành tít lớn trên phương tiện truyền thông thế giới.
Trong 3 giải báo chí danh giá Pulitzer mà ông nhận được trong sự nghiệp báo chí cho đến nay, có một giải vinh danh những tường trình của ông từ Beirut và một giải ghi nhận những nỗ lực ông đã phụng sự cho nghề nghiệp qua những bài báo ông viết từ Jerusalem trong những năm tháng lăn lộn đó.
Từ Beirut đến Jerusalem đã mở ra một giai đoạn sáng giá cho sự nghiệp báo chí của Thomas Friedman, trở thành nhà báo – nhà bình luận chuyên về các vấn đề quốc tế trên nhật báo hàng đầu thế giới The New York Times.
Sau cuốn sách để đời, qua năm tháng, ông đã viết thêm 5 cuốn sách khác, tất cả đều vang danh: Chiếc Lexus và cây ôliu, Kinh độ và thái độ, Thế giới phẳng, Nóng, phẳng, chật và Từng là bá chủ.
Ông nhìn nhận các vấn đề chính trị thế giới, cuộc chiến chống khủng bố, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu... Những sự kiện do ông dẫn ra trong sách có thể không mới với nhiều người, ông đóng vai trò người tập hợp, kể lại những câu chuyện nhiều suy ngẫm và nhìn nhận theo quan điểm sắc sảo, nhận được đồng thuận rất cao.
Và dù viết về đề tài gì, Trung Đông vẫn được nhắc đến trong các cuốn sách, các bài báo, bài bình luận của ông với cách nhìn đầy đủ, thấu hiểu. Cho nên dẫu trong vai trò nhà báo - nhà bình luận hàng đầu hay trong vị trí là tác giả các cuốn sách bán chạy, ông luôn có sức hút mạnh mẽ với độc giả và có uy tín ảnh hưởng với chính trường Mỹ.
Giờ đây, dù không còn tường trình trực tiếp từ Beirut và Jerusalem nữa, nhưng hai thành phố này vẫn luôn thường trực trong tim óc của Thomas Friedman. Bởi vùng đất ấy qua bao năm vẫn còn thường trực xung đột.
Bởi ước mơ của người dân Trung Đông, và cũng là ước mơ của cả ông, là hòa bình vĩnh viễn cho nơi này như lời thơ mà ông đã từng được đọc trong những năm tháng tác nghiệp ở đó: “Hãy để cho chúng ta bước ra sự câm lặng của mình và hét lên chung một giọng: Không còn chiến tranh”.