> Nhà hát - nơi mong đỏ mắt, nơi ế chỏng chơ
> Ai đổ phân nhà hát phá đêm nhạc Hồng Nhung, Mỹ Linh?
Một ê-kip trẻ, đa số nghiệp dư, lần đầu bước lên sân khấu nhưng diễn ở đâu cũng hết vé. Ê-kip thì rào trước rằng khán giả đừng kỳ vọng quá.
Buổi khai diễn kết thúc, BTC gửi thư tới các phóng viên có mặt để cảm ơn và “hi vọng quý báo không tiết lộ các tình tiết cũng như phần kết và thủ phạm trong câu chuyện”- cũng là mong muốn chính đáng để đảm bảo quyền lợi cho khán giả.
Dù kinh phí eo hẹp nhưng tất cả tình nguyện viên phục vụ đêm diễn đều có đồng phục riêng, nhạc công cũng vậy. Sân khấu hẹp được tận dụng theo cách đặc biệt thành những “căn buồng” có trổ cửa sổ chồng lên nhau, diễn viên diễn trên nóc là chính. Nhạc công ngồi trong mỗi hộp, khi nào chơi nhạc, họ lại mở rèm cửa ra- đảm bảo không ai bị quên mặt.
Mặc dù tác giả dự án- đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh gọi thể loại mà mình dàn dựng chỉ là “ca nhạc kể chuyện” nhưng qua hai sản phẩm được trình làng trong 2 tháng, có thể thấy kể cả nhạc kịch kiểu Broadway cũng không quá xa với khả năng người Việt trẻ.
Ở Góc phố danh vọng, vẫn còn kiểu ca sĩ đứng trong cánh gà hát cho diễn viên múa trên sân khấu. Đến Đêm hè sau cuối, dàn diễn viên nói chung làm khán giả hài lòng, thậm chí ngạc nhiên bởi giọng hát, khả năng diễn xuất và vũ đạo cùng hội tụ trong một người. Tất nhiên người này trội hơn về múa, người kia lại trội về diễn xuất… Nhưng họ đủ khả năng đảm nhận tốt vai diễn.
Hương Thảo- Á quân Việt Nam’s Got Talent từng thuyết phục hàng triệu khán giả truyền hình nhưng chưa hẳn xuất sắc nhất khi xuất hiện cùng dàn diễn viên toàn người trẻ vô danh như Thanh Ngọc, Hoàng Phương, Sơn Tùng…
Một trong những yếu tố làm nên sự trông đợi của khán giả đối với dự án của Phi Anh chính là đội ngũ những người trẻ tiềm ẩn những tài năng chưa được khai mở. Anh đã nhìn ra được khao khát thể hiện bản thân của họ. Đôi khi chỉ là mong muốn được cháy lên một lần.
Phan Thủy (Học viện Âm nhạc Việt Nam)- chỉ đạo âm nhạc Đêm hè sau cuối chia sẻ: “Với tôi dự án là nỗi mong chờ và là đích đến của cả năm vừa rồi. Một mùa hè lăn xả ở phòng tập, niềm vui lớn, trách nhiệm cũng lớn theo. Đêm hè sau cuối là trải nghiệm mới lạ đầy thử thách. Điều duy nhất mà chúng tôi dám chắc là mình đang sống trọn vẹn từng ngày cuối cùng của mùa hè này”.
Từ Góc phố danh vọng đến Đêm hè sau cuối là bước tiến về dàn dựng, diễn xuất. Mọi thứ ngày càng rõ nét hơn, gần với nhạc kịch kiểu Broadway hơn. Nếu lần tới Phi Anh và ê-kip tái ngộ khán giả Hà Nội, chắc chắn họ còn tự đặt ra tiêu chuẩn cao hơn.
Nhưng Phi Anh cũng ôm ấp nhiều dự định phim ảnh tại nơi anh du học là Mỹ nên chưa biết đến khi nào mới quay về Hà Nội để kể chuyện bằng ca nhạc. Tuy nhiên, điều mà Phi Anh làm được giống như chạm chiếc đũa thần vào các tài năng và khao khát đang ngủ yên trong các bạn trẻ. Đó sẽ là cơ sở để “nhạc kịch Hà Nội” hình thành và phat triển trong tương lai không xa.