Nguyễn Thanh Nhã cho biết khi tìm hiểu về những nhạc sỹ của âm nhạc trữ tình, của những giai điệu bolero đầy đắm đuối, anh mới biết nhạc sỹ Lam Phương chưa hề có một cuốn sách nào về cuộc đời mình.
“Xét về tầm vóc, Lam Phương làm một trong những nhạc sỹ hàng đầu Việt Nam. Còn xét về cuộc đời, Lam Phương đã có những thăng trầm và ông đã phải nỗ lực rất nhiều để vươn lên, để có những tác phẩm âm nhạc có giá trị để lại cho đời. Vì thế tôi đã bắt tay vào viết cuốn sách về cuộc đời, chân dung âm nhạc của nhạc sỹ Lam Phương. May mắn là khi tôi ngỏ lời viết, nhạc sỹ Lam Phương đã đồng ý và còn cung cấp rất nhiều tư liệu cũng như nhiều đầu mối thông tin giúp tôi”- Thanh Nhã kể.
Để tư liệu cho cuốn sách, Thanh Nhã đã đi đến rất nhiều vùng đất đã từng in dấu chân người nhạc sỹ tài danh. Từ mảnh đất Rạch Giá, nơi cậu bé Lâm Đình Phùng (Tên thật của Lam Phương) cất tiếng khóc chào đời và trải qua cuộc sống cơ cực thời thơ ấu cho tới vùng Đakao- nơi nhạc sỹ tá túc những ngày đầu lên Sài Gòn để rồi mày mò học đàn, cho ra tác phẩm đầu tay mang tên Chiều thu ấy khi ở tuổi 15 rồi đẩy xe kéo đi bán nhạc dạo…. Từ mảnh đất Đà Lạt nơi Lam Phương đã làm lên bản tình ca Đà Lạt cô liêu.. cho tới vùng miền Trung với Chuyến đò vỹ tuyến…
Từ những tư liệu, Thanh Nhã mới dần phác họa được chân dung đặc sắc người nhạc sỹ như là: Lam Phương đã từng là nhạc sỹ giàu có nhất Sài Gòn khi ông đã có bản Thành phố buồn bán được trên nửa triệu USD, từ chuyện nhạc sỹ đã từng thầm yêu nữ danh ca Bạch Yến để rồi ôm lấy khổ đau, chỉ biết gửi tâm sự của trái tim qua nhiều tác phẩm để đời như Tình bơ vơ, Thu sầu, Phút cuối, Chờ người, Xin thời gian qua mau...
“Gần 200 tác phẩm âm nhạc, trong đó có rất nhiều tác phẩm được công chúng biết đến đã khẳng định nhạc sỹ Lam Phương là một trong những nhạc sỹ hàng đầu của âm nhạc Việt Nam. Hơn 2 năm tìm hiểu tư liệu về ông, tôi đã may mắn có đủ tư liệu để phác hoạ được chân dung ông, dù rằng chân dung đó vẫn chưa hoàn toàn trọn vẹn vì những biến cố theo thời gian cũng như khoảng cách địa lý.”- Thanh Nhã cho biết.
Tháng 9/2019, tại Sài Gòn, cuốn Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương đã ra mắt độc giả đúng dịp kỷ niệm 70 âm nhạc của Lam Phương. Trên giường bệnh tại TP Fountain Valley (California- Mỹ), nhạc sỹ Lam Phương đã rưng rưng xúc động khi nhận cuốn sách viết về mình. Dù đang trong giai đoạn điều trị quan trọng nhưng nhạc sĩ Lam Phương vẫn cố gắng để đọc hết cuốn sách. Theo người nhà đang chăm sóc ông tại bệnh viện thì nhạc sỹ đã nói rất xúc động vì cuốn sách đã cho ông thấy cuộc đời của mình. “Nhạc sỹ không tự ngồi dậy được, ông chỉ nằm và được bác sĩ, người nhà chăm sóc. Nhưng ông đã dành ra hai ngày để đọc hết cuốn sách và rất vui khi cuốn sách đã được như mong muốn của ông"- Người nhà nhạc sĩ Lam Phương đang chăm sóc ông đã kể.
“Trong những lần trò chuyện với tôi, nhạc sỹ Lam Phương cũng mong muốn sớm khoẻ lại để trở về Việt Nam, cùng tôi đi lại những mảnh đất mà ông đã từng đi qua để được hát, để được sống lại với những kỷ niệm của cuộc đời. Nhưng rất tiếc, ước mơ ấy đã không còn nữa và người nhạc sỹ ấy đã ra đi. Thôi thì cầu mong nơi suối Vàng nhạc sỹ Lam Phương hãy mỉm cười. Bởi ông đã có một cuộc đời trọn vẹn với những cống hiến cho âm nhạc Việt. Moi người sẽ luôn nhớ tới ông qua những tác phẩm của ông” - Thanh Nhã nói thêm.