Tại cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo cần đưa vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) ra xét xử trong cuối năm 2017 đến đầu 2018.
Án chồng án
Ngày 29/9, TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm với 51 bị cáo trong vụ thất thoát 2.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Trong đó, Nguyễn Xuân Sơn – nguyên TGĐ OceanBank sau về làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhận án tử hình cho 3 tội danh.
Bị cáo Sơn được xác định đã chiếm đoạt 247 tỷ đồng của OceanBank trong đó có 49 tỷ đồng của PVN - ứng với 20% vốn góp của tập đoàn vào ngân hàng nên bị xác định phạm tội tham ô tài sản, lĩnh án tử hình.
Cụ thể, từ năm 2008, PVN ký hợp đồng góp vốn và trở thành cổ đông nắm 20% của OceanBank. Trong năm 2011, khi Nguyễn Xuân Sơn đề nghị tăng vốn thêm 100 tỷ đồng, các thành viên trong hội đồng của PVN gồm các bị can Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng đã đồng ý việc này; có 2 thành viên vắng mặt.
Bị can Ninh Văn Quỳnh – Phó TGĐ PVN, nguyên kế toán trưởng PVN đã báo cáo lại Sơn về tiền tăng vốn dự kiến lấy từ cổ tức được chia. Đặc biệt, Nguyễn Xuân Sơn được PVN giao quản lý vốn và các đơn vị góp vốn của PVN.
Ngay trong quá trình xét xử vụ OceanBank, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 5 người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 800 tỷ đồng.
Đây là một phần trong giai đoạn II đại án tham nhũng - kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank). Có 5 người bị khởi tố gồm Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN; Ninh Văn Quỳnh - Phó TGĐ PVN; Nguyễn Xuân Thắng và Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Thành viên HĐTV PVN; Vũ Khánh Trường - nguyên Ủy viên HĐQT PVN.
Đầu tư có hiệu quả?
Quá trình xét xử công khai, TAND TP Hà Nội hỏi về khoản vốn góp 800 tỷ đồng bị thất thoát nói trên. Đại diện của PVN cho hay, trước khi đầu tư vào OceanBank, PVN được Thủ tướng cho phép thành lập ngân hàng mới với vốn góp không quá 50%. Khi khủng hoảng kinh tế năm 2008 xảy ra, Thủ tướng bác bỏ việc này nhưng đồng ý cho PVN góp vốn vào một ngân hàng TMCP khác với tỷ lệ vốn góp không quá 20%.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai, PVN từng được đồng ý cho thành lập ngân hàng của ngành dầu khí lấy tên là ngân hàng Hồng Việt. Ông Sơn được cử làm tổ trưởng trù bị thành lập ngân hàng. Việc này sau đó bị bác bỏ nên PVN góp tiền vào OceanBank, cử Sơn sang công tác tại đây.
Vì vậy, PVN sau đó góp vốn vào OceanBank 3 lần với tổng tiền 800 tỷ đồng nhằm luôn giữ mức 20% vốn điều lệ và cử người sang làm người đại diện phần vốn của mình. Trong đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn làm đại diện trong năm 2010 - 2011. PVN cũng cử ông Sơn sang OceanBank giữ chức TGĐ của ngân hàng.
Về hiệu quả của khoản đầu tư trên, đại diện PVN cho tòa Hà Nội biết, từ 2009 tới 2013, theo báo cáo tài chính thì OceanBank hoạt động có hiệu quả, năm nào PVN cũng được chia cổ tức với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng. “Điều đó cho thấy đứng về mặt kinh tế và đầu tư tài chính là hiệu quả… còn thật sự hiệu quả hay không chúng tôi đang chờ phán quyết của tòa” – đại diện PVN trình bày.
Có cơ hội thoát lỗ?
Được hỏi việc góp vốn của PVN có đúng luật không? Đại diện PVN trả lời 2 lần góp vốn đầu tuân theo Luật tổ chức tín dụng 2007, cụ thể 1 tổ chức được mua tối đa 20% cổ phần ở 1 tổ chức tín dụng. Vì thế, khi PVN đề nghị góp vốn, Thủ tướng đã đồng ý, giao Bộ Tài chính thẩm định trước khi thực hiện.
Chỉ có lần sau cùng, PVN góp thêm 100 tỷ đồng để đạt tỷ lệ 20% vốn thì sai so với Luật tổ chức tín dụng 2010 (được mua tối đa 15% - PV). Tuy vậy, đại diện PVN cho rằng lần góp vốn thứ 3 chỉ là triển khai hệ quả của việc góp lần 2 đã được Thủ tướng đồng ý và do PVN không cập nhật kịp nên vẫn làm.
“Việc góp vốn lần 3 số tiền 100 tỷ đồng được Thủ tướng đồng ý từ 2010. Lúc đó Luật Tổ chức tín dụng 2010 chưa có hiệu lực… Chúng tôi hỏi Văn phòng Chính phủ (VPCP) thì được trả lời đến 2015, PVN phải thoái hết vốn tại các ngân hàng. Năm 2014, PVN báo cáo Thủ tướng, đề nghị chuyển nhượng vốn ở OceanBank nếu đạt được thỏa thuận với các đối tác tiềm năng. Thủ tướng đồng ý bằng công văn sau đó vài ngày. Cụ thể, 12/6/2014, VPCP có công văn gửi PVN, nội dung Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý PVN chuyển nhượng cổ phần bằng đấu giá công khai hoặc bán thỏa thuận theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”- đại diện PVN trả lời HĐXX.
Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank khai: “Luật quy định các tổ chức chỉ nắm 15% (vốn tại ngân hàng - PV) lúc đó chưa thực hiện được vì PVN có đại diện ở OceanBank và theo Luật Chứng khoán thì không được bán… Bị cáo trao đổi với PVN rằng không bán được thì nâng vốn điều lệ lên 5.300 tỷ đồng, như vậy 800 tỷ đồng vốn của PVN từ 20% xuống 15% nhưng sau chào bán không thành công”.
Đặc biệt, ông Thắm cho rằng khoản đầu tư của PVN đã từng có đơn vị khác muốn mua lại: “Bị cáo làm việc với 1 đối tác Singapore, 1 đối tác Việt Nam thì họ đồng ý mua lại cổ phần của PVN với giá 800 tỷ đồng, tức là PVN không bị lỗ”.
Sau khi PVN góp vốn vài năm, OceanBank làm ăn thua lỗ, nợ xấu lên tới gần 15.000 tỷ đồng nên bị Nhà nước mua lại. Vì vậy, PVN mất khoản đầu tư 800 tỷ đồng của mình.
Cũng tại tòa, một số luật sư, bị cáo đưa ra tài liệu chứng minh lãnh đạo PVN gồm ông Đinh La Thăng đã ký văn bản thông báo OceanBank như một tổ thuộc PVN, yêu cầu các thành viên sử dụng dịch vụ của ngân hàng này.
Vì vậy, ngoài việc yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong việc thất thoát 800 tỷ đồng nói trên, tòa án Hà Nội cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo PVN khi gửi văn bản, yêu cầu các đơn vị thành viên gửi tiền vào OceanBank.