Hành trình 4 năm lan tỏa học thông qua chơi

Hành trình 4 năm của dự án "Lồng ghép các hoạt động Học thông qua Chơi trong giáo dục tiểu học tại Việt Nam” (iPLAY) đã mang lại giá trị thiết thực đối với ngành giáo dục cũng như các gia đình và những mầm non của đất nước.

Dự án iPLAY do Tổ chức VVOB phối hợp thực hiện cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dưới sự hỗ trợ từ Quỹ LEGO, được triển khai từ năm 2019 đến 2023, với mục tiêu nâng cao năng lực giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh thông qua việc lồng ghép Học thông qua Chơi (HTQC) vào quá trình tổ chức dạy học, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Chú trọng chất lượng giáo dục ngay từ bậc Tiểu học

HTQC không phải là hướng tiếp cận giáo dục hoàn toàn mới, tuy nhiên chỉ mới được ứng dụng nhỏ lẻ và chưa được hệ thống hóa. Là một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận với sứ mệnh hỗ trợ phát triển giáo dục có chất lượng tại Việt Nam, VVOB đã thực hiện dự án iPLAY nhằm mang đến một hướng dẫn cụ thể, bài bản hơn về HTQC cho giáo viên và các nhà quản lý giáo dục đóng góp vào việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá dự án iPLAY đã được thực hiện đúng thời điểm, đáp ứng các nhu cầu đổi mới trong giáo dục, hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.

Dự án còn tác động sâu sắc đến phương thức giảng dạy của giáo viên, giúp quá trình dạy và học trở nên sinh động, sáng tạo, phù hợp hơn trong thời đại mới. Cô Hoàng Thị Hương (GV Tiểu học, tỉnh Hà Giang) sau khi tham gia tập huấn đã có cái nhìn đúng và rõ ràng hơn với HTQC, cô cho biết: “HTQC giúp thúc đẩy tinh thần tự chủ của học sinh và khuyến khích các em tương tác để giải quyết vấn đề. HTQC có thể áp dụng ở bất kỳ không gian lớp học nào, với bất kỳ dụng cụ học tập sẵn có”.

Dự án iPLAY đã đặt nền móng cho việc áp dụng HTQC bài bản và có hệ thống cho giáo dục tiểu học tại Việt Nam.

Trong vòng 4 năm, VVOB Việt Nam cùng với các đối tác dự án đã nỗ lực lan tỏa và thúc đẩy áp dụng HTQC. Cụ thể, dự án đã xuất bản hơn 100.000 cuốn tài liệu dành cho cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học về HTQC; Tổ chức hàng trăm lớp tập huấn trực tiếp và trực tuyến về HTQC cho cán bộ Sở/Phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán. Không dừng lại ở đó, tháng 7/2023, VVOB ra mắt khóa học trực tuyến HTQC trên nền tảng bồi dưỡng chuyên môn giáo viên (TEMIS) của Bộ GD&ĐT, chỉ trong 3 tháng, đã có hơn 150.000 giáo viên hoàn thành khóa học này.

Xây dựng mô hình giáo dục bền vững giữa nhà trường - học sinh - cha mẹ

Với lứa tuổi nhỏ như tiểu học, cha mẹ và thầy cô đều có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Hiểu được điều đó, VVOB đã mở rộng hướng dẫn áp dụng HTQC, để hướng tiếp cận này được phổ biến đến cha mẹ học sinh. Trong bộ tài liệu hướng dẫn dành cho gia đình, HTQC được cụ thể hóa thành các hoạt động đơn giản, gần gũi để cha mẹ áp dụng dễ dàng và linh hoạt. Song song đó, VVOB cũng phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức 82 ngày hội HTQC tại 8 tỉnh/ thành phố, thu hút hơn 16.000 cha mẹ, học sinh tiểu học tham gia.

Hành trình áp dụng HTQC đã rút ngắn khoảng cách thế hệ, giúp cha mẹ thấu hiểu và đồng hành cùng con phát triển.

Anh Nguyễn Văn Lương (43 tuổi, Hà Giang) chia sẻ về việc áp dụng HTQC trong tương tác hàng ngày với con gái: “Cuối tuần, tôi thường cùng con làm vườn, qua đó, con biết về hành trình lớn lên của một cái cây, hệ sinh thái đa dạng trong lòng đất, yêu thêm không gian sống xung quanh mình.” Sau một thời gian quan sát, anh thấy bé ngày càng yêu thích việc học. Khoảng thời gian tương tác với bố mẹ cũng giúp con giải tỏa áp lực, dễ dàng mở lòng hơn, tăng cường sự gắn kết gia đình.

Với sự thấu hiểu và giúp sức của cha mẹ học sinh, việc áp dụng HTQC đã được đẩy mạnh ngay cả ở trường học lẫn tại nhà. Ước tính, dự án iPLAY đã tiếp cận 2.000 trường học, 60.000 giáo viên, 733.000 học sinh, 370.000 cha mẹ học sinh trên phạm vi toàn quốc. Có thể nói dự án iPLAY đã mang đến giá trị "kép" khi vừa kiến tạo môi trường phát triển lành mạnh cho trẻ, vừa chia sẻ gánh nặng giáo dục của cả thầy cô và cha mẹ trên hành trình nuôi dưỡng các con nên người.

Bà Karolina Rutkowska, Giám đốc chương trình quốc gia, Tổ chức VVOB tại Việt Nam cho biết hành trình 4 năm triển khai dự án iPLAY đã khép lại nhưng giá trị và sức lan tỏa của dự án sẽ còn tiếp tục: “Trên nền tảng vững chắc và hướng dẫn chi tiết của dự án iPLAY, VVOB hy vọng HTQC sẽ tiếp tục được áp dụng rộng rãi tại các trường tiểu học và ngay tại nhà, tạo ra một thế hệ trẻ em tự chủ, có năng lực học tập suốt đời. Đây cũng là giá trị giáo dục bền vững mà dự án hướng tới”.