Một nắm thuốc không viên nào giống màu viên nào mà chị nghĩ có khi vị bác sĩ độn thêm vào để dễ lấy tiền. Chị đã uống không chần chừ, xử lý càng nhanh càng tốt. Chưa bao giờ chị uống thuốc dễ dàng như lần này. Chị từng dị ứng mùi với thuốc, nhưng có lẽ ở cái chỗ tanh bẩn này, ít ra mùi thuốc còn dễ chịu hơn. Hoặc trong cái nắm thuốc xanh đỏ kia, có những viên chỉ là kẹo ngọt, như chút an ủi sau cùng cho đứa bé phôi thai.
Quyết định phá bỏ cũng rất nhanh. Chỉ mới chiều hôm qua, lúc chị đang ở trong bệnh viện tỉnh theo dõi tình trạng người chồng hôn mê bốn ngày nay. Bố mẹ chồng, anh chị em chồng đã chuẩn bị tinh thần lo hậu sự cho người đang nằm trong kia. Chị không dám tin vào một điều gì quá nhiệm mầu lúc này. Thậm chí, vài người quen đến thăm lại thốt ra cái câu đau đớn nhưng thực lòng, “thà nó mất còn hơn sống thực vật, khổ vợ”. Lại có người bảo, “may mà chưa có con cái, không cũng khổ theo”. Nghe câu đó, tự dưng chị ớn lạnh, cái phôi thai này vợ chồng chị chưa cho ai biết, vì nó mong manh quá, vợ chồng đang giữ bí mật.
Ba năm rưỡi cưới nhau không con cái, chị và chồng đã chạy chữa khắp nơi, ai chỉ vẽ phương cách hay thầy thuốc nào anh chị đều tìm thử. Tuần trước thấy khang khác, chị đã mua que về kiểm tra, lại đi siêu âm, kết quả là có thai thật. Anh chị mừng vui, rồi lại bàn nhau chưa cho ai biết, kể cả gia đình nội ngoại thân thích. Nghe người ta bảo hiếm muộn mà có là cái thai đó cũng không được bình thường, phải giữ gìn cẩn thận. Quan niệm của người già lại bảo chuyện thai nghén đừng cho thiên hạ biết, họ đồn ra đoán vào, bàn tán này nọ không hay.
Chị nhớ buổi chiều trước khi anh đi tạ lễ ông thầy thuốc Nam, anh nói xong việc sẽ ghé đâu đó uống một chút, hai tháng nay anh đã kiêng cữ mọi thứ rồi. Chị vui vẻ, không dặn uống ít nhiều mà chỉ dặn anh đừng tiết lộ chuyện có con với ai, cố gắng kìm giữ tín hiệu vui.
Anh ngã xe khi vừa ra khỏi cái quán nhậu vỉa hè chừng nửa cây số. Cũng chả va quệt với ai, tự dưng xe loạng choạng, anh dập đầu xuống lề đường. Chủ quán nhậu kể lại, người khách ngồi uống một mình năm lon bia với vài cái nem chả bọc lá chuối, không thấy tâm trạng gì bất thường.
Riêng chi tiết ngồi nhậu một mình đã là bất thường, mẹ chồng bảo “chắc nó buồn chuyện con cái”. Câu nói của mẹ chồng khiến chị đau, cứ như đang dồn hết lỗi về phía chị. Lúc đó chị đã định phân bua, suýt nói ra chuyện chị đã mang thai. Nhưng chị im lặng, vì ngay lúc đó chị nghĩ đến tình huống xấu nhất và hoàn toàn có khả năng: chồng chị sẽ chết. Đứa con khó khăn lắm mới có được, phôi thai may mắn, niềm vui đang lớn lên sẽ thành một gánh nặng cho chị.
Chị mới hai tám tuổi, còn trẻ quá, không thể sống như một người góa chồng. Chắc chị sẽ đi bước nữa và khi đó đứa con sẽ là cục vướng víu. Đứa con chắc cũng không thể có được hạnh phúc trọn vẹn ngay từ khi lọt lòng. Nó cần được chào đời với tờ giấy khai sinh đầy đủ tên cha tên mẹ. Nó cần được gọi tiếng ba, cần có người chở che những khi bị chúng bạn bắt nạt.
Nếu không có đứa bé, chị sẽ lấy lại chồng dễ hơn, giống như làm lại một lần thủ tục ghép đôi mà sau lưng không còn vướng bận điều gì. Chắc chắn thế, chị còn trẻ và có nhan sắc. Thời buổi này gái ba mươi chưa lấy chồng là chuyện bình thường. Chỉ cần chị đi làm đâu đó xa xa một tí, có khi lấy chồng trai tân mới toanh.
Câu nói “chắc nó buồn chuyện con cái” của mẹ chồng càng khiến chị không hy vọng gì một sự cảm thông ở gia đình chồng. Mà biết đâu, giả sử chồng mất và chị sinh đứa bé ra, bên nhà chồng lại nghĩ đứa bé không phải dòng giống nhà này. Lúc đó chị không thể chứng minh được. Chả nhẽ đi khai quật một cái xác để lấy mẫu thử ADN.
Và cũng biết đâu, bấm đốt ngón tay tính tháng tính ngày, chị có thai trước lúc anh bị tai nạn. Khi đó người ta lại cho rằng vì chị dan díu ngoại tình, khiến người chồng buồn quá mà xảy ra cơ sự xấu chẳng hạn.
Bác sĩ cho biết khả năng cứu sống chồng chị rất hy hữu, và nếu sống, cũng chả nên hồn. Bệnh viện tất nhiên sẽ cố gắng hết sức, nhưng cũng nói trước để gia đình chuẩn bị tinh thần. Tin đó như đẩy thêm chị vào tình thế buộc phải giải quyết cái thai. Nuôi một người chồng thực vật và một đứa con, mình chị không kham nổi. Trong cơn hoạn nạn, người ta dù ích kỷ cũng phải nghĩ cho mình một đường hướng sáng sủa hơn. Đằng nào, dù chồng chết hay sống dở, chị cũng rơi vào thất thế.
Nắm thuốc nhiều màu đã giúp chị giải quyết tình thế mà theo chị đó là cách xử lý tốt nhất cho cả chị lẫn đứa bé. Ba tiếng đồng hồ nằm trong căn phòng xập xệ mùi lưu cữu, chị không nghĩ được gì hơn ngoài chuyện mong sau vụ này sức khỏe vẫn bình thường, để đừng ai phát hiện ra chị vừa đi làm một việc động trời. Ông bác sĩ lúc nãy đã trấn an chị là chỉ như xổ sán thôi, nhất là với mấy cái thai mới nhú, xử lý xong đi lại làm việc bình thường.
Cô gái nằm giường bên cũng an ủi chị rằng cô ta đã xử lý cả ba lần, chả có vấn đề gì nghiêm trọng đâu. Rồi cô bảo lạ đời, có người thuốc thang mong mỏi mãi chả được mụn con, đằng này như vợ chồng cô cứ dính hoài, biện pháp nào cũng dính. Phải xử lý chuyện vỡ kế hoạch, phải lo cái miếng ăn trước hết. Con cái thì ai chả thương nhưng đông quá không nuôi nổi cũng mang tội đấy. Cô gái nói như phân bua, như cầu mong sự cảm thông từ người khác. Khi cô gái kia về rồi, cô hộ lý mới bảo nó nói láo trơn mồm đấy, làm gái điếm chứ có chồng đâu.
Nghe cô nói, chị cũng có chút mủi lòng. Không biết những thân phận đàn bà vào chỗ này có ai mắc phải tình huống giống chị không. Chẳng phải vì ăn cơm trước kẻng, chẳng phải vỡ kế hoạch, ngược lại, chị từng trông mong con mà đến khi có rồi lại đi phá.
Chị nhẹ nhàng đứng dậy, cố thoát khỏi cái chỗ này càng sớm càng tốt. Và nhất là, tuyệt đối không để người quen nhìn thấy khi bước ra. Chỉ cần gặp một người quen biết, mọi chuyện có khi rắc rối thêm.
Không ai trong gia đình hai bên nội ngoại biết chị đến phòng phụ sản để làm cái việc tày trời kia. Nếu mẹ chị biết được, hẳn bà sẽ réo lên thất đức quá con ơi.
Tình trạng chồng chị có tiến triển. Bác sĩ thông báo bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Cả nhà nửa mừng nửa lo. Không chết nhưng sống kiểu thực vật thì, nói dại, thà chết còn hơn.
Chồng chị được xuất viện sau một tháng điều trị. Cứu được đã là may mắn, khỏi phải thực vật lại càng kỳ diệu. Nhất là đầu óc vẫn khá tỉnh táo, chỉ có điều dây nói bị cắt. Tay chân cử động yếu, coi như liệt, phải tập luyện nhiều mới mong nhúc nhích khá lên được.
Bác sĩ nói chấn thương vùng đầu có thể làm mất một lượng trí nhớ. Chị không biết anh còn nhớ về giọt máu trong bụng chị không. Thỉnh thoảng anh liếc nhìn bụng chị khá lâu khiến chị bồn chồn khó xử. Ánh mắt là phương tiện duy nhất bày tỏ sự quan tâm của anh, khi mà tứ chi không chủ động được, và đường dây nói bị cắt vĩnh viễn.
Mẹ chồng bảo với chị, “thôi cứ để nó cho mẹ chăm, con lấy chồng khác đi, chẳng ai trách đâu”. Mẹ chồng đã mở đường cho chị, đúng cái đường chị dự tính khi chồng đang hôn mê trong bệnh viện. Nhưng giờ chị không đành.
Chị tích cực tập luyện cho chồng những bài tập vật lý trị liệu phục hồi chân tay. Mỗi ngày ba lần, sáng chiều tối, ngoài ra những lúc rảnh chị đều bắt anh thực hành các bài tập. Chiều chiều, chị bồng anh đặt lên xe lăn đẩy đi quanh đường thôn chơi. Hàng xóm nói đùa, chăm chồng như chăm con ấy nhỉ. Chị không phiền lòng vì câu nói kiểu đó. Sau biến cố, chị dành hết tình yêu thương cho chồng.
Cũng vài lần người ta bảo nếu có đứa con, kể ra cũng an ủi cho chị. Và thỉnh thoảng chị cũng nghĩ như vậy, giá bữa trước chị giữ lại cái thai, giờ nó cũng đã bi bô tập nói.
*
Cô hộ lý làm ở phòng khám tư nhân kể cho tôi câu chuyện trên. Một câu chuyện có chút kinh dị, rùng rợn nhưng nếu chỉ chừng đó, thì câu chuyện cũng chả có gì hấp dẫn ghê gớm đáng để viết. Nó chỉ mới là một nửa câu chuyện quá trọn vẹn, hoặc quá dở dang, tùy cảm nhận của người đọc.
Phần dưới đây là cô hộ lý kể thêm.
Cô gặp lại chị sau hai năm, kể từ bữa chị đi xử lý phá thai. Nhưng lần này chị đi khám thai. Đi rất tự tin mạnh dạn.
Chồng chị vẫn liệt tay chân, dù có tích cực tập luyện thì những ngón tay chỉ nhúc nhích yếu ớt. Khi cái bụng bầu lùm lùm dưới áo, chị vẫn đẩy xe lăn dẫn chồng đi quanh xóm chơi mỗi chiều. Không có gì phải giấu giếm lén lút. Không phải băn khoăn lo nghĩ chuyện đứa con trong bụng dòng giống nhà nào. Và cũng chẳng ai dám hỏi chị chuyện đó. Đấy, người ta mong chị có đứa con thì chị đã có đây, còn dám đàm tiếu gièm pha được gì.
Tôi cũng tò mò định hỏi cô hộ lý vậy cái thai đó có phải của chồng chị ta không. Một người đàn ông liệt tứ chi liệu có “mần ăn” chi được không.
Nhưng cô hộ lý đã kịp kết luận một câu nghe có vẻ quen thuộc, nhàm chán: “Chẳng ai sống thay người khác được, nên đừng tò mò nhiều làm chi”.