Có đất nhưng không được xây nhà,
Gia đình ông Lê Huy Dũng (trú thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) là một ví dụ điển hình. Năm 1985, gia đình ông đến thị trấn sinh sống ổn định cho đến nay. Nơi sinh sống của gia đình 5 người 3 thế hệ giờ chỉ còn là một căn nhà bỏ hoang, với những bức tường nham nhở.
Ông Dũng cho hay, do căn nhà xuống cấp, thường xuyên bị dột nước nên gia đình đã phá bỏ, nhưng khi làm thủ tục xây nhà mới, chính quyền địa phương từ chối cấp phép vì đất nằm trong diện quy hoạch khoáng sản. “Nhà đã dỡ, giờ gia đình phải đi thuê trọ, chịu cảnh khó khăn chồng chất. Thật oái oăm, đất chính chủ mà không xây được nhà. Giờ đây chúng tôi bất lực trước quy hoạch”, ông Dũng thở dài.
Theo tìm hiểu, toàn huyện Bảo Lâm có trên 51.000ha đất (hơn 50% diện tích) nằm trong ranh Quy hoạch 866, địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất là thị trấn Lộc Thắng. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Gắn, Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Thắng cho hay, hiện thị trấn có đến 75% diện tích bị vướng vào quy hoạch khoáng sản, chủ yếu bauxite. Trong đó, có nhiều công trình phúc lợi phục vụ an sinh xã hội ở địa phương như xây dựng hội trường tổ dân phố, đường giao thông phải dừng lại.
“Hiện trên địa bàn thị trấn có 6 công trình công cộng đã được bố trí vốn nhưng chưa triển khai xây dựng do vướng quy hoạch. Nhiều hộ dân không thể chuyển mục đích sử dụng đất, gây khó khăn trong xây dựng. Ngoài ra, việc chồng lấn quy hoạch khoáng sản 866 và dự án Bô xít-Nhôm Lâm Đồng khiến giao dịch bất động sản khó khăn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và thu ngân sách của địa phương”, ông Gắn cho biết.
Không chỉ huyện Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc xác định có hơn 4.200ha đất thuộc ranh giới quy hoạch. Gia đình bà Phạm Thị Năm (phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc) cũng đang phải đối diện với tình trạng “đóng băng” tài sản. Nhà cửa, đất đai của bà dù hợp pháp nhưng không thể chia tách cho con cái hoặc thế chấp để vay vốn đầu tư. “Nhiều hộ dân tại phường sống trong cảnh đông con, nhiều thế hệ chung sống cùng nhau nhưng không thể tách thửa. Có những ngôi nhà xuống cấp trầm trọng, không thể ở được nữa nhưng không được phép sửa chữa”, bà Năm cho hay.
Ngày 18/7/2023, Thủ tướng có Quyết định 866/QĐ-TTg Phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quyết định 866). Quyết định này với mục tiêu tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường.
Không thể để đời sống người dân bị “đóng băng”
Thống kê của UBND tỉnh Lâm Đồng cho thấy, với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 866), tỉnh này có hơn 70.000ha bị quy hoạch chồng lấn, ảnh hưởng đến hàng vạn hộ dân với gần 100.000 nhân khẩu.
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ ba vào cuối tháng 6, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc quy hoạch khoáng sản chồng lấn lên khu dân cư không chỉ làm xáo trộn, gây khó khăn đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân mà còn khiến quá trình lập các đồ án quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh bị ngưng trệ.
“Toàn bộ hơn 50% diện tích đất đai ở trung tâm huyện Bảo Lâm, một phần thành phố Bảo Lộc, rồi các dự án đầu tư công, nhiều vùng phát triển… đều nằm trong vùng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Hiện tất cả mọi hoạt động đều bị ngưng trệ, kể cả các khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư. Để đảm bảo sự phát triển bền vững thì cần xem xét tháo gỡ”, ông Hiệp cho hay.
Trong chuyến công tác tại Lâm Đồng vào tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ TN&MT khẩn trương rà soát và sửa đổi các quy định liên quan. Thủ tướng nhấn mạnh, việc quy hoạch chồng lấn hiện nay là một vấn đề pháp lý phức tạp, cần được xem xét lại trong quá trình sửa đổi Luật Khoáng sản.
Thủ tướng chỉ đạo, khi chưa khai thác khoáng sản, cần phải cho người dân tiếp tục sử dụng đất để sinh sống và sản xuất, không thể để đời sống của người dân bị “đóng băng” do quy hoạch. “Nếu cứ quy hoạch mà không cho khai thác, không cho người dân canh tác thì họ sẽ sống bằng gì?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Hiện tỉnh Lâm Đồng đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn do quy hoạch khoáng sản gây ra. Tuy nhiên, quy mô ảnh hưởng rộng lớn, phức tạp nên quá trình điều chỉnh và giải quyết không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Trong khi đó, người dân vẫn đang sống trong sự chờ đợi và lo lắng về tương lai.