Hàng triệu đàn ông Việt sẽ không có vợ từ bi kịch khát con trai
Thắng ngay “loạt đầu”
Chị Trần Thị Minh (23 tuổi, Tp Bắc Giang) đang mang thai đứa con đầu. Con được 6 tuần, chị đã liên tục đi siêu âm để tìm hiểu về giới tính thai nhi. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết, thai còn bé, khó có thể biết là “dép hay ngẩu”.
Chị Minh rất lo lắng vì năm ngoái đã phá thai ba tháng vì biết đó là con gái. “Chồng em là con một, lại là trưởng họ, vì thế, cả gia đình chỉ chăm chắm vào việc sinh nở của em.
Ngay từ ngày mới về làm dâu, mẹ chồng em đã bóng gió xa xôi về việc nếu em sinh con trai thì muốn gì cũng được, còn nếu sinh con gái thì phải đẻ đến “hết trứng” để “đúc” bằng được con trai mới thôi.
Bà còn kể chuyện cô A. ở dòng họ không đẻ được con trai nên chồng “đi gửi” con trai nơi khác. Cô B. hàng xóm sinh toàn con gái nên gia đình đang ép ly hôn, ra đường tay trắng.
Vì thế, chị Minh rất lo lắng, sợ hãi. Khi có thai, chị luôn căng thẳng, trầm uất. Thai trước siêu âm con gái nên cho dù đau lòng, chị vẫn bỏ. Còn lần này, chị đang lo sợ. “Vì bác sĩ cũng nói nếu bỏ thai liên tục thì sau này khó có thể có con” – chị Minh cho biết.
Còn anh Lê Trọng Đạt (30 tuổi, Hà Nội) khổ sở vì công nghệ “đúc” con trai của vợ. Vợ anh bắt cả hai vợ chồng cùng ăn mặn, món nào cũng mặn chát. Đồng thời, cô ấy dùng que thử ngày rụng trứng, siêu âm trứng chín để căn đúng thời điểm trứng rụng, bắt chồng “hành động”.
Có lúc đang họp với lãnh đạo nhưng vợ nhắn tin “Anh ơi, trứng rụng, về ngay” khiến anh đọc mà dở khóc dở cười. Không chạy về được ngay là vợ lại giận tối ngày, “cấm vận” cho đến kỳ rụng trứng lần sau.
“Ăn cái gì cũng cho cả thìa muối vào, mặn đắng. Đang đi làm thì vợ cũng bắt sầm sập lao về để “xả đạn”. Tôi có phải là cái máy “bắn đá” đâu mà lúc nào hành sự cũng được” – anh Đạt khổ sở. Không biết có phải quá căng thẳng không mà đạn của anh Đạt tòan xịt, gần một năm nay vợ anh vẫn chưa có thai.
Nghiên cứu “Sự ưa thích con trai ở Việt Nam: ước muốn thâm căn, công nghệ tiên tiến” của Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA cho thấy, rất nhiều cặp vợ chồng đã sử dụng siêu âm cộng với phá thai để quyết “thắng ngay từ loạt đạn đầu” để ăn chắc. Nếu đẻ con thứ 2 mà vẫn chưa sinh được ngẩu thì sẽ khó khăn, căng thẳng hơn. Nhiều người bất chấp hậu quả về sức khỏe, tâm lý, phá thai liên tục.
Nhiều người tin rằng, nếu cặp vợ chồng có quan hệ tình dục ngay sau khi trứng rụng thì xác xuất sinh con trai sẽ cao hơn hoặc thay đổi môi trường âm đạo sẽ dễ có con trai hơn. Vì thế, họ đã áp dụng khoa học, kỹ thuật thậm chí kinh nghiệm truyền miệng vào thực hành tình dục để mong có con.
Ví dụ, sử dụng que thử cộng với siêu âm để xác định thời điểm rụng trứng, tiêm thuốc kích thích rụng trứng cho “đúng ngày”, sử dụng chế độ ăn ăn hoặc dùng thuốc để giúp thay đổi môi trường âm đạo… để hy vọng “hành sự” sẽ sinh ra con trai.
Cho con gái làm con nuôi
Viện nghiên cứu phát triển xã hội ISDS đã tiến hành nghiên cứu về sự ưa thích con trai trên gần 1.500 nam giới tại Hưng Yên và Cần Thơ (hai tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao). Kết quả cho thấy, có đến 69% nam giới cho rằng có con trai để nối dõi tông đường, 49% cần để chăm sóc cha mẹ già, 41% cho rằng sinh được con trai chứng tỏ anh là người đàn ông thực thụ. 27% cho rằng đàn ông chịu trách nhiệm về giới tính con mình, còn 12% “đổ tại” tại phụ nữ.
Đang tiếc, có rất nhiều tư tưởng khó tin như: con gái là gái nặng hoặc thiệt hại kinh tế (11%), có con gái là không may mắn (9.3%), người vợ không đẻ được con trai là lý do chính đáng để chồng ly hôn (2,1%) hoặc gia đình ép người đàn ông bỏ vợ (1,6%); phai khi có con gái là chính đáng (2,2%). Thậm chí, có đến 2,5% mọi người cho rằng, vuệc cho con gái đi làm con nuôi là chính đáng.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh – Phó Viện trưởng ISDS, tâm lý ưa thích con trai có nguồn gốc từ hệ thống thân tộc phụ hệ và mô hình cư trú bên nội tạo ra áp lực buộc các gia đình phải có ít nhất một con trai vì “con gái là con người ta”.
Quan niệm con trai tiếp nối dòng dõi, thờ cúng tổ tiên và chăm sóc cha mẹ về già đã nuôi dưỡng động cơ ưa thích con trai của người dân. Người phụ nữ đẻ được con trai sẽ củng cố vị thế người phụ nữ trong gia đình, không sợ chồng “gửi con trai nơi khác”, không sợ bị đuổi khỏi nhà, bị ép ly hôn. Còn nam giới có con trai sẽ thấy mình là “đàn ông xịn”, nam tính được khẳng địnhh.
Người lại, nam giới và phụ nữ không có con trai thường chịu áp lực lớn từ gia đình và chịu sự mỉa mai, trêu chọc, xúc phạm của cộng đồng.
TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam năm 2012 là 112,3 trẻ em nam/100 trẻ em nữ và đang tiếp tục tăng mạnh. Một số tỉnh có tỷ số giới tính tăng mạnh như Hưng Yên 119,6, Hải Dương 121,4, Bắc Ninh 122,1, Bắc Giang 118,5…
Theo TS Trọng, cho dù đã có nhiều biện pháp can thiệp nhưng với sự gia tăng này, mục tiêu “ghìm” tỷ lệ giới tính khi sinh là 115 vào năm 2015 cũng khó thực hiện.
Theo Diệu Linh
Dân Việt