Hàng nghìn người rước kiệu trên sông Hồng trong lễ hội Đền Và

TPO - Đúng ngày Rằm tháng Giêng hôm nay (5/2), lễ rước tại lễ hội Đền Và chính thức được diễn ra với một đoạn rước vượt sông Hồng.

Đền Và (còn gọi là Đông Cung) tọa lạc tại đồi Lim với hàng trăm cây lim cổ thụ thuộc địa bàn thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, là một trong tứ cung của xứ Đoài thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thần đứng đầu trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Đền Và được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1964. Lễ hội Đền Và cũng đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vì vậy, di tích Đền Và và lễ hội Đền Và là sự kết nối giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

Theo phong tục cổ truyền, lễ hội Đền Và được tổ chức xuân thu nhị kỳ, vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu thì mở hội chính. Tâm điểm của lễ hội là lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản qua sông Hồng, sang đền Ngự Dội thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (để tế lễ, diễn lại sự tích Thánh Tản Viên đã từng đến nơi đây), rồi quay trở lại Đền Và.

Trước đó, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I cho biết, ngày 5/2 (Rằm tháng Giêng), một đoạn sông Hồng qua khu vực thị xã Sơn Tây (Hà Nội), huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) bị hạn chế để phục vụ Lễ hội rước kiệu của Lễ hội Đền Và (phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội).

Tại khu vực hạn chế giao thông và tổ chức lễ hội được bố trí báo hiệu đường thủy và lực lượng chốt trực điều tiết, bảo đảm trật tự ATGT, an ninh trật tự. Các phương tiện thủy khi hành trình đến khu vực trên phải tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của lực lượng bảo đảm trật tự ATGT đường thủy, tuân thủ Luật Giao thông đường thủy nội địa để đảm bảo ATGT, an toàn lễ hội.

5h sáng 5/2 (ngày Rằm tháng Giêng), đoàn rước kiệu tại lễ hội Đền Và bắt đầu xuất phát, rước kiệu từ Đền Và (phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) sang đền Ngự Dội (thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

Đoàn rước đi qua một số đường phố ở thị xã Sơn Tây.

Đoàn rước gồm 3 cỗ kiệu chính và những kiệu lễ của các thôn làng, đội múa rồng cùng các đội bát bửu, lộ bộ, đội nhạc, đội tế, đội dâng hương…

Tâm điểm của hội là lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản.

Đến mỗi ngã tư lớn, các kiệu chính lần lượt được quay ba vòng rồi tung lên cao ba lần trong tiếng reo hò của người dân và du khách.

Trên đường đi, các đình, đền, chùa và nhân dân hai bên đường bày hương án, dâng hương hoa, lễ vật để tri ân Đức Thánh.

Hình thức rước phản ánh tục “cầu nước” và múa rồng là biểu trưng cho sự vận động của bầu trời, mong cho mưa thuận, gió hòa.

Đoàn rước thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham dự.

Mặc dù cơn mưa lớn bất chợt ập tới nhưng đoàn rước vẫn tiếp tục hành trình.

Dòng người rước kiệu lễ hội Đền Và dài gần 1km.

Sau gần 5 tiếng rước kiệu trên đường bộ, đoàn kiệu đã đến được bến phà.

Được biết, BTC đã chuẩn bị 12 tàu, phà lớn để phục vụ đủ người dân, du khách tham gia lễ hội.

Hàng nghìn người dân tham gia lễ hội lên tàu rước kiệu trên sông Hồng.

Trước đó, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I cho biết, một đoạn sông Hồng qua khu vực thị xã Sơn Tây (Hà Nội), huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) bị hạn chế để phục vụ Lễ hội rước kiệu của Lễ hội Đền Và (phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) trong ngày Rằm tháng Giêng.

Người dân, du khách ngồi đầy ắp các con tàu, phà.

Các con tàu, phà được đánh số thứ tự và di chuyển lần lượt theo đó.

Chiếc phà rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản sang đền Ngự Dội, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc).

Buổi chiều, đoàn rước từ đền Ngự Dội trở về Đền Và, làm lễ yên vị.

Lễ hội đền Và diễn ra từ chiều 4 đến 7-2 (tức 14 đến 17 tháng Giêng năm Quý Mão) với các nghi thức rước, tế lễ long trọng. Ngoài ra, ở phần hội, còn có các trò chơi dân gian, đêm giao lưu văn nghệ… quanh khu vực di tích.