Hàng nghìn người chen chân đi lễ chùa Ông Núi. Clip: Trương Định
Chùa Ông Núi (còn gọi là Linh Phong thiền tự) có lịch sử hơn 300 năm, tọa lạc lưng chừng đỉnh Chóp Vung trên dãy núi Bà ở thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Theo sách xưa chép lại, năm Nhâm Ngọ 1702, có một người tên gọi Lê Ban (tức thiền sư Tịnh Giác - Thiện Trì) đến núi này tu hành. Sư dựng một mái chùa bằng cỏ tranh, sống thanh bần trên núi, dùng vỏ cây làm quần áo. Dân trong vùng gọi sư là Mộc Y Sơn Ông (tức “ông núi mặc áo vỏ cây”). Do vậy, ngôi chùa này có tên là chùa Ông Núi.
Lễ hội chùa Ông Núi chính là ngày giỗ của Hòa thượng Thích Trừng Tịnh, một trong những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của chùa.
Theo ghi nhận của PV
Tiền Phong, càng về trưa dòng người đi lễ chùa Ông Núi ngày một
đông hơn.
Đang nghỉ chân bên đường, bà Nguyễn Thị Nhung (56 tuổi, huyện Tuy Phước, Bình Định) chia sẻ là người trong tỉnh nên bà hay đi chùa Ông Núi, chủ yếu để dâng hương, cầu xin sức khỏe, tài lộc cho gia đình.
Ông Nguyễn Văn Thắng (40 tuổi, Gia Lai) cho biết mọi năm cứ đến dịp này gia đình lại sắp xếp công việc để đi lễ chùa Ông Núi. Sáng nay, gia đình cũng mang ít hoa quả làm lễ, trước hết để cầu mong một năm bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình, ngoài ra cũng là dịp tham quan, du lịch.
Một cháu bé cùng bố mẹ đi lễ chùa Ông Núi.
Người dân, du khách thắp hương tại chùa.
Đến với chùa Ông Núi dịp này, người dân, du khách còn được cùng nhau dùng bữa cơm chay.
Vài năm trở lại đây, số lượng người đến dự lễ chùa Ông Núi đông hơn, do gần chùa có tượng Phật ngồi được cho là lớn nhất Đông Nam Á.
Ông Trần Đình Trực - Chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát) - cho hay thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện việc giữ gìn an ninh trật tự cho người dân, du khách đến dự lễ được đảm bảo an toàn. Người dân đi lễ rất đông, địa phương bố trí lực lượng tại các chốt để hỗ trợ.
Theo ông Trực, mọi năm, lễ chùa Ông Núi rơi vào những ngày cuối tuần (thứ 7, Chủ nhật) nên lượng khách đến dự lễ rất đông, khoảng trên 10.000 ngàn người.
Trương Định