Hàng nghìn hộ dân vùng sạt lở nín thở

TP - Các khu vực có nguy cơ sạt lở ở TPHCM không ngừng gia tăng, song việc di dời dân đến nơi an toàn, thực hiện các dự án trị thủy gần như dẫm chân tại chỗ.

> Ưu tiên các dự án chống sạt lở cấp bách

Hàng nghìn hộ dân thấp thỏm lo bị cuốn trôi, nhất là đang trong mùa cao điểm sạt lở.

Sạt lở bờ sông Rạch Dơi xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: LT.

Hiểm họa chực chờ

Giữa tháng 5 tại khu vực cầu Rạch Dơi (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TPHCM), cả doi đất dài gần 200m bị sạt lở, khoét sâu vào trong hơn 20m. Bờ sông xuất hiện nhiều vết nứt mới.

Ông Nguyễn Văn Tư đánh cá trên sông cho biết, cứ 1-2 ngày, bờ sông lại bị xói lở. Nước chảy xiết cuốn trôi đất, cát tạo thành hàm ếch khiến bờ sông mất ổn định, có thể đổ sập xuống bất kỳ lúc nào.

Theo UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, ngoài bờ sông Rạch Dơi, trên địa bàn còn 4 điểm nóng có nguy cơ sạt lở cao, gồm: khu vực cạnh bờ sông Mương Chuối, bờ sông Long Kiển, bờ sông Rạch Tôm (2 vị trí - ở thượng lưu và hạ lưu), với gần 170 hộ dân.

Tại khu vực cầu Mương Chuối, nhiều căn nhà trước đây nằm sâu bên trong nhưng hiện nay móng nhà đã có dấu hiệu lún, nghiêng và đang có nguy cơ bị cuốn trôi.

Tại ấp 2 xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè), dọc theo rạch Bà Tánh, nhiều đoạn bị sạt lở kéo theo hàng loạt nhà dân bị xuống cấp (nứt tường, hở móng), thậm chí có căn nhà nghiêng ra sông. Đoạn bờ sông gần cầu Phước Lộc 1 (xã Phước Lộc) cũng bị sạt lở, lộ ra nhiều hàm ếch.

Ven theo rạch Tắc Bến Rô (ấp 1, xã Phước Lộc), tình trạng sạt lở cũng đang ở mức báo động.

Theo UBND huyện Nhà Bè, toàn huyện hiện có hơn 20 điểm sạt lở với trên 400 hộ dân bị ảnh hưởng, cần di dời khẩn cấp để bảo toàn tính mạng. Trong đó, dân tập trung chủ yếu ở các xã Nhơn Đức, Hiệp Phước, Phước Lộc, Phú Xuân, Phước Kiểng…

Riêng xã Nhơn Đức có 5 vị trí có nguy cơ sạt lở với hơn 160 hộ dân nằm trong các điểm này đang từng ngày đối diện với hiểm nguy.

Tiền hỗ trợ ít, dân trở lại vùng tạm bợ

Tại khu vực gần cầu Rạch Dơi, sau vụ sạt lở chết người vào ngày 28-8-2011, chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân di dời và hỗ trợ tiền thuê nhà tạm cư cho mỗi hộ là 500.000 đồng/tháng.

Gần đây, một số hộ dân vẫn lén lút quay về sinh sống tạm bợ trong các căn nhà cheo leo bên vực thẳm. Nhiều hộ lý giải tiền hỗ trợ tạm cư quá ít nên họ chỉ thuê được các phòng trọ chật chội, thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt, trong khi nhiều gia đình đông người.

Quận Bình Thạnh hiện có 7 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Theo UBND quận, trên địa bàn hiện còn hơn 2.000 hộ dân chưa được di dời đến nơi an toàn.

Tại một số khu vực đã từng xảy ra sạt lở trên đường Tầm Vu (phường 26), Thanh Đa (phường 27), nhiều hộ dân chỉ dám ở nhà ban ngày, ban đêm xin tá túc nơi khác vì sợ sạt lở xảy ra. Hẻm 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh, (phường 27) vẫn còn chín hộ dân sống trên những căn nhà sàn nhô ra sông Sài Gòn.

“Sân tennis của biệt thự Lý Hoàng sạt lở gần hết. Nhà tôi chỉ cách vài chục thước, có thể sạt lở bất cứ lúc nào nhưng không ở đây thì biết đi đâu” - ông Thành, sống trong hẻm 762 XVNT nói.

Theo Sở Giao thông vận tải, TPHCM hiện có 62 khu vực có nguy cơ sạt lở, trong đó có 29 khu vực đặc biệt nguy hiểm gồm quận Thủ Đức (2 vị trí), quận 2 (3 vị trí), quận 8 (1 vị trí), huyện Bình Chánh (4 vị trí), huyện Nhà Bè (12 vị trí)... So với năm 2011, trên địa bàn phát sinh thêm 17 điểm sạt lở mới.

Dân đắp cát chống xói mòn

Trước nguy cơ sạt lở ngày càng cao, UBND TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương triển khai nhanh các dự án chống sạt lở cấp bách. Tuy nhiên, tiến độ triển khai hầu hết các dự án đều chậm.

Đơn cử: Dự án xây dựng kè bảo vệ, chống sạt lở bờ rạch Tôm tại 2 khu vực, gồm: hạ lưu cầu Bà Sáu (được duyệt từ tháng 10-2008) và khu vực trường Lê Văn Lương (được duyệt tháng 8-2008) với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng nhưng mới được bố trí vốn 100 triệu đồng. Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Giồng Ông Tố (quận 2) có tổng mức đầu tư hơn 46 tỷ đồng nhưng mới chỉ được ghi vốn 5 tỷ đồng.

Hai dự án chống sạt lở khác cũng cấp bách không kém cũng chưa được bố trí vốn là Dự án tại khu vực ngã ba Rạch Dơi - sông Cần Giuộc (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) với tổng mức đầu tư hơn 25 tỷ đồng; khu vực cầu Long Kiểng (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè).

Dự án cấp bách chống sạt lở khu vực kênh Thanh Đa dù được khởi động từ năm 2007 nhưng hiện nay mới hoàn thành bờ kè hai đoạn 1.1, đoạn 1.3. Hai đoạn 1.2 và 1.4 do đang vướng mặt bằng và nguồn vốn nên chưa thể triển khai thi công.

Hiện nay bờ sông tại 2 đoạn 1.2 và 1.4 đang bị khoét sâu vào bên trong khu vực nhà dân. Trong lúc chờ dự án triển khai, nhiều hộ phải dùng bao cát đắp tạm để chống nước xói mòn gây sạt lở.

Theo UBND phường 27 (quận Bình Thạnh), trên địa bàn phường còn gần 300 hộ dân đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở. Hiện cơ quan chức năng đang làm dự án xây bờ kè khu vực thượng lưu, hạ lưu cầu Kinh nhưng còn gần 100 hộ dân bị ảnh hưởng chưa đồng ý di dời.

Theo Báo giấy