Hàng nghìn dự án đầu tư công chậm tiến độ, lãng phí

TP - Bộ KH&ĐT vừa có báo cáo tổng hợp giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2017. Dù có nhiều biện pháp xử lý nhưng vẫn có tới hàng nghìn dự án đầu tư công chậm, lãng phí và vi phạm quản lý chất lượng, tăng cao hơn so với các năm trước.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, một trong những dự án đầu tư công chậm tiến độ

Đua nhau chậm tiến độ, lãng phí
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, năm 2017 có tới 1.609 dự án đầu tư công chậm tiến độ, chiếm 3,1% số dự án thực hiện đầu tư. Với các dự án này, chủ đầu tư đều nêu lí do như bố trí vốn không kịp thời, chậm giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, có gần 150 dự án chậm tiến độ do chủ quan; do chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu không đủ năng lực. Số dự án chậm tiến độ này đã tăng gần 150 dự án so với con số của năm 2016.

Ngoài số lượng dự án chậm tiến độ, sau khi kiểm tra hơn 12.800 dự án và đánh giá 18.000 dự án, cơ quan nhà nước còn phát hiện gần 850 dự án gây thất thoát lãng phí. Số lượng dự án lãng phí chỉ được phát hiện khi cơ quan thanh tra, quyết toán, kiểm toán làm việc.
Dù đã qua nhiều bước thẩm định trước khi đầu tư nhưng cơ quan nhà nước phát hiện tới 225 dự án vi phạm quy định thủ tục đầu tư, 22 dự án vi phạm quản lý chất lượng. Có tới gần 300 dự án phải ngừng thực hiện.

Về thực trạng chậm tiến độ, lãng phí của các dự án đầu tư công, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, số liệu trên cho thấy “ngựa vẫn quen đường cũ”, tất cả giải pháp đưa ra cho đầu tư công không có tác dụng.

“Việc đầu tư dàn trải, thất thoát lãng phí vẫn còn lặp lại, chứng tỏ Luật Đầu tư công chưa đi vào cuộc sống. Cơ quan chức năng phải xác minh địa chỉ cụ thể để quy trách nhiệm. Chính phủ yêu cầu quyết liệt có chế tài xử lý việc chậm trễ, lãng phí trong đầu tư công và cần mạnh dạn xử lý những đơn vị sai phạm. Nếu không xử lý nghiêm minh, câu chuyện dự án đầu tư công chậm tiến độ, lãng phí sẽ trở thành bài ca muôn thuở và không bao giờ khắc phục được”, ông Long nhấn mạnh.

Theo ông Long, với dự án lãng phí, có thể mời cơ quan điều tra để tìm nguyên nhân, liệu có việc tham nhũng hay không và quy trách nhiệm rõ ràng.

Nhiều bất cập ở dự án hợp tác công - tư
Ngoài các dự án đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, Bộ KH&ĐT cũng điểm mặt tình hình quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Năm 2017, cả nước có 60 dự án đầu tư theo hình thức PPP được triển khai đầu tư, trong đó 52 dự án được kiểm tra, 18 dự án được đánh giá.

Hiện nay có tới 41 cơ quan báo cáo số liệu về dự án PPP nhưng nhiều đơn vị số liệu không đầy đủ, thiếu thông tin về số dự án kiểm tra, đánh giá, số liệu về vốn đầu tư và cơ cấu nguồn vốn. “Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước nhiều dự án đầu tư theo hình thức BOT nhiệt điện nhưng không có số liệu báo cáo”, Bộ KH&ĐT nêu ví dụ.

Đề cập khó khăn vướng mắc trong các dự án PPP, Bộ KH&ĐT cho rằng, có nhiều quy định của pháp luật chưa thực sự phù hợp thực tế ví như quy định dự án BOT giao thông do các nhà đầu tư trong nước thực hiện, chưa thu hút được đầu tư nước ngoài. Vị trí trạm thu phí, mức thu phí còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch.

“Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về tính hiệu quả của dự án như mức lợi nhuận của nhà đầu tư, thời hạn nhà đầu tư được nhà nước nhượng quyền thu phí của người sử dụng dịch vụ, giá sử dụng công trình, dịch vụ công... chưa rõ ràng. Năng lực giám sát về cơ chế thu phí còn yếu, thiếu minh bạch trong quá trình quản lý hợp đồng”, Bộ KH&ĐT đánh giá.

Tổng vốn đầu tư các dự án PPP theo kế hoạch trong năm 2017 đạt hơn 25,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, hơn 20.400 tỷ đồng vốn vay các ngân hàng thương mại. Vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư chỉ là hơn 5.100 tỷ đồng. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro an toàn hệ thống ngân hàng.

Năm 2017, cả nước có 840 dự án đầu tư công gây thất thoát lãng phí; 1.600 dự án chậm tiến độ và 22 dự án vi phạm quản lý chất lượng; 284 dự án ngừng thực hiện.