Hàng loạt bến thủy nội địa Sông Cầu, sông Thương: Không phép, gây ô nhiễm

TP - Theo khảo sát của PV Tiền Phong, một km sông Cầu có gần 40 bến thủy nội địa không phép hoạt động rầm rộ là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường.
Khu vực bến bãi hoạt động trái phép trên sông Cầu địa phận Bắc Giang

Trên đường Như Nguyệt (địa phận thành phố Bắc Ninh), đoạn từ QL 1 đến chợ Nội Mới một bên là khu dân cư, còn mép sông Cầu là nhan nhản các bãi tập kết cát, than, sỏi nằm san sát nhau. Mỗi chuyến xe chở cát, than qua đây cuốn theo một luồng bụi tra tấn người dân xung quanh. Tường bao những ngôi nhà gần đây phủ một màu đen xám. Theo thống kê của đại diện cảng vụ đường thủy tại khu vực này, chỉ tính riêng phường Kim Chân (thành phố Bắc Ninh) có đến 18 bến bãi chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Trong đó, có những bến bị đình chỉ, không có trong quy hoạch vị trí tập kết cát sỏi của tỉnh Bắc Ninh như bến Nga Bão, hay bến Tân Tiến 1.

Vẫn địa phận thành phố Bắc Ninh, đi ngược về thượng nguồn sông Cầu thuộc địa phận phường Vũ Ninh cũng có 2 bến thủy nội địa không phép là bến Lộc Hằng và bến Đại Hùng. Trong đó, bến Lộc Hằng bị Cảng vụ đường thủy đề nghị đình chỉ hoạt động. Còn bến Đại Hùng của Cty TNHH Đầu tư XD Hồng Diên đang được tập kết những núi than khổng lồ, không được che chắn.

Đối diện bên kia sông (địa bàn phường Quang Châu, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), hoạt động của các bến tập kết cát, trạm trộn bê tông còn nóng hơn. Trên đường đê, xe tải, xe chở bê tông nối đuôi nhau rầm rập chạy. Khói bụi theo các cơn gió mù mịt khắp một khúc đê.

Dưới sông, hàng chục tàu chở cát, sỏi nối đuôi nhau bốc hàng lên. Từ trên cao qua thiết bị flycam có thể thấy hàng chục chiếc cẩu lớn ở mép sông hoạt động không ngừng nghỉ. Có đoạn, mép sông sạt cả đoạn dài nhưng phía trên là núi cát và trạm trộn bê tông vẫn đứng lừng lững. Hoạt động tấp nập nhất là khu vực gần chân cầu Như Nguyệt, đoạn này có nhiều trạm trộn bê tông lớn như trạm trộn bê tông Việt Hàn, Việt Đức, Việt Nhật, Hoàn Chinh. Tại khu vực này, phía trên là trạm trộn bê tông, phía dưới, hàng chục tàu cát vẫn nối đuôi cập bến. Phía trên những chiếc cẩu lớn vươn tay thoăn thoắt ngoặm những gầu cát đưa lên xe tải đưa cát đi.

Thống kê của Cảng vụ đường thủy tại khu vực này, tính đến 14/3/2024, trên địa bàn phường Quang Châu có đến 16 bến thủy nội địa hoạt động không được cấp phép. Trong đó, có những bến thủy vi phạm hành lang bảo vệ cầu như bến Ngoan Ninh, đã bị đề nghị đưa ra khỏi danh sách cảng bến tạm của tỉnh. Hay tại xã này cũng có những bến lớn như bến Hoàn Chinh (Cty TNHH MTV Hoàn Chinh) và bến Việt Đức (Cty xây dựng Việt Đức) có giấy phép đã hết hạn từ lâu nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Ô nhiễm môi trường

Men theo đường đê thuộc phường Quang Châu, cạnh bên trạm trộn bê tông Việt Nhật là trạm trộn bê tông Hoàn Chinh. Tại đây có hàng chục xe bồn đang chờ “ăn” hàng. Bên hông của trạm trộn này được đắp một bể chứa thải từ quá trình sản xuất. Trong bể, nước thải đục ngầu, xám đen dâng cao tới gần sát mép thành. Váng xi măng sánh đặc, bốc mùi hôi thối. Bể này xây và tràn ra một rãnh bên cạnh chảy thẳng xuống sông Cầu.

Đem việc này liên lạc, trao đổi với ông Nguyễn Tài Hải, Chủ tịch UBND phường Quang Châu, vị này giới thiệu gặp ông Ngô Cao Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách vấn đề này. Tuy nhiên, ông Thắng lại thoái thác không trả lời và lý giải vì quyền hạn hạn chế, không nắm được hết và chỉ tham gia đoàn kiểm tra với tư cách là thành viên.

Đê tả sông Thương, đoạn từ xã Hương Gián đến cầu Bến Đám xã Xuân Phú (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) hằng ngày cũng bị cày nát bởi xe tải, xe bồn chở bê tông. Mặt đoạn đường đê cấp II đã được thảm bê tông nhưng luôn bị phủ cát và đất. Có đoạn, cơ quan chức năng đã chốt cọc, cắm biển hạn chế tải trọng hòng chặn xe quá tải nhưng bất thành. Xe tải trọng lớn chạy rầm rập bụi bay mịt mù suốt ngày.

Trong khoảng 1 tiếng ghi nhận tại khu vực gần cảng Hưng Giang, Nhà máy bê tông Hùng Phát hàng trăm chuyến xe tải từ khu vực bến ông Cường, ông Sỹ vượt đê chở cát, đá vào trong nhà máy bê tông. Có lẽ chỉ chở cát trong khoảng cách từ bãi sông Thương vào nhà máy chừng 200m nên hầu hết xe tải đều không che chắn nên bụi bay mù mịt. Được biết, bến của ông Sỹ đã được huyện Yên Dũng yêu cầu tạm dừng để hoàn thiện các thủ tục cấp phép theo quy định.

Men theo dòng sông Thương đến đoạn gần cầu Bến Đám (xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng), các bãi tập kết cát, vật liệu xây dựng nằm ken đặc khúc sông này. Có thể kể đến như các bãi tập kết vật liệu xây dựng của hộ kinh doanh Trần Thị Thu, Phan Thế Việt, Nguyễn Hữu Sinh, Phan Thế Văn, Trần Hữu Trường, Giáp Thành Trung, Cty TNHH Quốc Kỳ, bến cát Văn Hưng... Ở đây, các núi cát khổng lồ được chất cao cả chục mét nằm ngay sát bờ sông. Có đoạn bờ sông bị sụt lún, những bao đất, cột chống được dựng cẩu thả.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngụy Thế Kiên, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Yên Dũng cho hay, trên địa bàn huyện Yên Dũng có 21 bến bãi tập kết vận chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động. Trong đó có 19 bến đã làm thủ tục thuê đất để làm bãi vật liệu xây dựng. Còn hai trường hợp của ông Nguyễn Duy Sỹ và ông Ngôi đang vướng mắc thủ tục về đất đai. “Hiện nay, bến chúng tôi đã yêu cầu dừng hoạt động nhưng họ lén hoạt động thì sẽ kiểm tra, xử lý”, ông Kiên cho biết. Theo ông Kiên, về hoạt động bến thuỷ nội địa, các bến bãi này chưa được cấp phép và đương nhiên không được bốc xếp hàng hóa dưới sông. “Riêng về việc tập kết vật liệu tại các bến này, qua 15/6 các bến sẽ phải di dời, không được tập kết nữa”, ông Kiên cho hay.