Sản xuất nhộn nhịp đầu năm
Cơ sở chế biến mứt Hương Quê (H. Củ Chi) thời điểm này đang dồn hết công suất cho những đơn hàng mứt tết mùa cuối năm. Từng chuyến xe chở nguyên liệu như dứa, mãng cầu, me… liên tục ra vào cơ sở. Lo không giao hàng đúng hẹn cho khách, cơ sở này còn liên tục tuyển dụng nhân công thời vụ, trả lương cao.
Chị Nguyễn Thị Hương - chủ cơ sở chế biến mứt Hương Quê, cho biết: “Tôi vừa đầu tư dàn công nghệ sơ chế, đóng gói bao bì tiền tỷ, nhập từ nước ngoài về để phục cho việc sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng. Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng thích ăn những loại mứt từ trái cây trong nước, tôi cho người đến tận các vùng miền thu mua nguyên liệu đạt chuẩn. Khi chế biến không sử dụng phẩm màu, đường hóa học, chất bảo quản… Dự kiến mùa tết này tôi đưa ra thị trường khoảng 200 tấn mứt các loại, giá từ 170.000 - 200.000 đồng/kg”.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM cho hay, Ban đã thành lập 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành với thành phần gồm các chuyên viên của Phòng Thanh tra Ban Quản lý ATTP; đại diện chính quyền địa phương; đại diện Ban quản lý khu chế xuất-khu công nghiệp TP… để tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Nhiều công ty bánh kẹo tại TPHCM cho biết, họ đang tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau. Nhà sản xuất hứa hẹn sẽ đưa ra thị trường những dòng sản phẩm dành riêng cho tết năm nay với bao bì bắt mắt, mang đậm màu sắc, không khí xuân. Vì là mùa vụ kinh doanh lớn nhất trong năm nên hầu hết doanh nghiệp đều kỳ vọng sức mua sẽ khởi sắc, đồng thời chủ động tăng sản lượng so với mức bình thường hòng đảm bảo nguồn cung thông suốt.
Ông Phan Văn Thiện - Phó tổng giám đốc Công ty CP Bibica chia sẻ, sản lượng bánh kẹo cung ứng cho mùa tết 2018 ước khoảng 2.500 tấn, tăng 15% so với năm trước, trong đó có ít nhất 10 sản phẩm mới, lần đầu tiên đưa ra thị trường trong dịp tết này.
“Chúng tôi nỗ lực tối đa để cạnh tranh với hàng nhập khẩu nên việc không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế cho bao bì để chinh phục người tiêu dùng Việt được đặt lên mục tiêu hàng đầu” - ông Thiện nói.
Công ty CP Dầu thực vật Tường An cũng sẽ tăng 10-12% sản lượng cung ứng hàng tết, với nhiều chủng loại sản phẩm đáp ứng đầy đủ mọi phân khúc khách hàng.
Nóng nhất là mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 41,1 triệu lít bia và 47,2 triệu lít nước giải khát trong tháng tết. Theo ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, hiện lượng hàng tồn kho của ngành đồ uống rất lớn, khó có tình trạng khan hàng, tăng giá dịp tết.
Nhiều nhóm hàng bình ổn giá
Năm nay, nhiều nhóm hàng được dự trữ với sản lượng lớn, chiếm từ 32% - 55% nhu cầu thị trường như: thịt - trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, gạo, dầu ăn... thành phố cũng đảm bảo nhiều nhóm thực phẩm tươi sống (thịt heo và trứng gia cầm, rau củ quả...) đã thực hiện kiểm tra qua truy xuất nguồn gốc tại các hệ thống siêu thị. Về hoa tết, dự kiến thành phố sẽ tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành hoa các loại.
Riêng lượng hàng nhập tại ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm là Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đều dự báo bình quân tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TPHCM cũng đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết, với số lượng tăng từ 2 - 3 lần so với tháng thường.
Ngoài ra, từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các doanh nghiệp bình ổn thị trường TP sẽ phát triển thêm 221 điểm bán hàng bình ổn giá. Các doanh nghiệp và sở, ngành cũng lên kế hoạch thực hiện hơn 300 chuyến bán hàng lưu động, phục vụ các quận, huyện ngoại thành, khu chế xuất - khu công nghiệp, bệnh viện... phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, Sở đang phối hợp với các ban ngành kiểm tra, xử lý kiên quyết vi phạm về giá tại các điểm bán lẻ, chợ, siêu thị. Lực lượng quản lý thị trường có mặt trên các địa bàn trọng điểm, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, mua bán hàng cấm, hàng gian, hàng giả... “Qua khảo sát, chúng tôi dự báo giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm tết sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng biến động về giá” - bà Trang khẳng định.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM:
Doanh nghiệp cần được định hướng đúng
Thêm vào đó, hiệp hội, hội ngành hàng cần tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, doanh nghiệp - chương trình hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp - chuỗi giá trị hàng hóa… Qua đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đồng thời mở rộng, đa dạng hóa các kênh tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế biến động liên tục, các hiệp hội ngành hàng phải phát huy vai trò là đầu mối cập nhật và cung cấp các thông tin về thị trường, từ đó đưa ra những khuyến nghị giúp doanh nghiệp định hướng sản xuất phù hợp.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM:
Nhiều “ông lớn” đang mất dần về tay doanh nghiệp ngoại
Trong bối cảnh thị trường ngành chế biến lương thực thực phẩm đang cạnh tranh quyết liệt, những chính sách hỗ trợ không chỉ dừng lại khâu vốn, công nghệ mà còn toàn diện, đồng bộ chính sách về vốn, công nghệ và thị trường. Một vấn đề khác là nhanh chóng thiết lập rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn an toàn chất lượng sản phẩm, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn với doanh nghiệp trong nước.
Uyên Phương